NUÔI HƯƠU SAO – MÔ HÌNH LÀM GIÀU MỚI CHO NÔNG DÂN

NUÔI HƯƠU SAO – MÔ HÌNH LÀM GIÀU MỚI CHO NÔNG DÂN

 

Nhắc đến nghề nuôi hươu, nhiều người thường mặc định đây là vật nuôi có giá trị kinh tế cao và khó chăm sóc. Tuy nhiên, từ thực tế hiện nay của bà con nông dân các tỉnh phía Bắc đã chứng minh điều ngược lại. Hươu sao là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, dễ nuôi và ít rủi ro nhất. Đặc biệt là gần đây, sau khi dịch bệnh liên tục xảy ra trên gia súc, gia cầm thì hươu vẫn chứng tỏ là vật nuôi an toàn, ít rủi ro và hiệu quả cao nên bà con đã đầu tư nuôi trở lại.

 

Một ngày gần cuối năm, có dịp tham gia chuyến công tác với Trung tâm kỹ thuật và dịch vụ nông nghiệp, tôi đã được các bạn giới thiệu cho xem mô hình đã ấp ủ gần năm nay - Mô hình nuôi hươu sao trên đồng cỏ Thiện Nghiệp.

Đây là mô hình kinh tế mới để từng bước giúp bà con nông dân chuyển đổi vật nuôi, làm giàu ngay trên đồng cỏ quê hương mình, gia đình mình. Đồng thời là những bước đầu xây dựng mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái xanh-sạch, phù hợp với nông nghiệp đô thị nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định và lâu dài cho hộ gia đình.

Trao đổi với chị Phạm Thị Bích Thơm – Giám đốc Trung tâm, được biết, trước khi áp dụng mô hình vật nuôi mới, làm giàu cho nông dân xã Thiện Nghiệp, cả tập thể Trung tâm đã tập trung điều nghiên rất kỹ và cả thời gian dài theo dõi mô hình này ở các tỉnh, sau đó rất nhiều lần tiến hành nghiên cứu thực địa và chấp bút hoàn thiện Mô hình Chăn nuôi hươu sao. Đặc biệt, hộ gia đình được chọn thí điểm mô hình phải đáp ứng tiêu chí có kinh nghiệm trong chăn nuôi; phải đồng thuận tuân thủ nghiêm các quy định, quy trình trong kỹ thuật chăn nuôi mô hình mẫu do Trung tâm hướng dẫn và mô hình mẫu phải được ghi chép theo dõi tiến độ để khi mô hình thực hiện thành công sẽ được nhân ra diện rộng.

Gần cổng chào của xã Thiện Nghiệp, rẽ vào một con đường bê tông đã hỏng thuộc thôn Thiện Sơn, chạy khoảng gần hai cây số, chúng tôi đã có mặt tại trang trại sinh thái của gia đình anh Nguyễn Điển Hải – sinh năm 1978, hộ gia đình được chọn thí điểm mô hình Chăn nuôi hươu sao.

Trước mắt đã bày ra một trang trại, sân vườn với rợp mát bóng cây, dẫn dắt chúng tôi đi từ vườn ao chuồng nào là phượng hoàng, công, cút, trĩ các loại, nào là gà đông tảo, lợn rừng rồi nào là két là nhồng…và rồi chúng tôi đã đến khu vực Trình diễn mô hình nuôi 4 chú hươu sao.

Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 8 năm 2022. Con giống đưa về là 1 hươu đực và 3 hươu cái. Và chỉ mới vài tháng thì 3 chú hươu cái đã mang thai. Thấy tôi tròn mắt, ngạc nhiên, chị Bích Thơm – Giám đốc Trung tâm cười rất tươi cho biết đó là cả một quá trình nghiên cứu rất kỹ của mấy anh em Trung tâm, cụ thể, con giống sử dụng để thực hiện mô hình là loại hươu giống 2-3 năm tuổi, giống phải khỏe mạnh, cơ thể săn chắc, lông mượt, không bị dị tật, ăn khỏe, ăn nhiều và lanh lợi. Đối với hươu giống đực, mông phải cân đối nở nang, đùi đầy đặn săn chắc, mông và đùi phải linh hoạt, kết hợp chắc chắn. 4 chân thon nhỏ, dài vừa chắc chắn, vận động tự nhiên, nhanh nhẹn, 2 chân trước không quá thấp so với chân sau. Bộ phận sinh dục hoàn thiện, cân đối. Đối với hươu cái, đẹp là tiêu chí hàng đầu, đuôi luôn phe phẩy, mắt sáng lanh lẹ, khỏe mạnh, béo vừa phải. Phải nhanh nhẹn, ít hung dữ. Bộ phận sinh dục hoàn thiện, biểu hiện động dục rõ ràng để dễ phối giống và đặc biệt 4 vú phải đều nhau để cho sữa tốt có như vậy thì mới nuôi con khỏe. Phải hết sức kỹ, cẩn thận trong chọn con giống thì mô hình thực nghiệm của mình khả năng thành công cao. Còn 3 chị hươu cái đều mang thai chỉ sau 4 tháng mua từ HTX Dịch vụ hươu giống, nhung hươu, mật ong Sơn Lâm – thôn Lâm Đồng – xã Sơn Lâm – huyện Hương Sơn – tỉnh Hà Tĩnh về thì có lẽ đó là cái...hên của gia đình anh Nguyễn Điển Hải. Sau tràng cười thật tươi, giòn giã, chị Thơm tiếp rằng 2 chị cái đang mang thai nên các anh em cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thường xuyên bám cơ sở để theo dõi sát, kỹ mô hình, ghi chép cẩn thận chi tiết để sau này nhân ra diện rộng sẽ thuận tiện hơn.

Trước khi triển khai Mô hình nuôi hươu sao trên đồng cỏ Thiện Nghiệp, Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ nông nghiệp đã phối hợp UBND, Hội nông dân xã mở lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật cho các hộ đồng thời tổ chức hội thảo, nghiệm thu mô hình vào cuối vụ. Kinh phí để thực hiện mô hình được áp dụng theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Nghị quyết của HĐND tỉnh Bình Thuận về việc Quy định nội dung chi, mức chi hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh. Do vậy căn cứ các cơ sở trên, kinh phí thực hiện cho Mô hình này là từ ngân sách nhà nước hỗ trợ và nhân dân đóng góp. Cụ thể, Mô hình thực hiện điểm này là 125.487.700 đồng, trong đó, ngân sách nhà nước 76.517.700 đồng và hộ anh Nguyễn Điển Hải đầu tư là 48.970.000 đồng.

Hươu có tính nhát người nên không thể thả như chăn nuôi dê, bò mà phải làm chuồng trại. Chuồng cũng rất đơn giản, chỉ cần lưới B40 quây rộng khu vực nuôi, che một phần làm nhà trú mưa, nắng, còn lại để trống có bóng cây có đồng cỏ có bụi rậm làm thức ăn cho hươu là được. Thức ăn của hươu cũng đơn giản. Vì là động vật ăn cỏ cho nên thức ăn của hươu cũng là các loại thực vật. Hươu yêu thích các loại lá cây sung, mít, đu đủ xanh, cỏ các loại, cây bụi...và phải tươi, không ăn lá khô. Trung bình mỗi chú hươu tiêu hóa khoảng 10kg/ngày. Đặc biệt, vào thời kỳ động dục và lấy nhung, khẩu phần thức ăn lên khoảng 30kg/ngày, ăn ngày 2 buổi sớm và tối. Do hươu là động vật nhai lại, các hộ nuôi nên cho ăn vào buổi tối để sáng hươu nhai lại.

Khi hươu mang thai và quá trình cho con bú chúng ta cần bổ sung thêm chất bột như cơm, cháo (nếp), ngô hạt luộc hoặc bắp ngô sống non, khoai lang (sống hoặc chín), sắn củ tươi, các loại rau (rau muống, su hào, bí đỏ, bắp cải, cà rốt...). Ngoài ra, khi hươu gầy, yếu (con đực thời kỳ sắp mọc nhung, sau khi lấy nhung, sau khi phối giống và con cái thời kỳ động dục hay giai đoạn nuôi con) nên bổ sung thêm trứng gà trong các bữa ăn.

Hươu là loài sinh sản theo hình thức ghép đôi. Quá trình mang thai khoảng 7 tháng, mỗi lần sinh là 1 con, tuy nhiên cũng có trường hợp đặc biệt hiếm là sinh đôi. Quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng hươu cũng không khó. Hươu sống, ăn uống rất sạch sẽ nên không cho hươu ăn thức ăn bẩn, ôi thiu. Hươu có sức đề kháng cao, ít bệnh lặt vặt chỉ xảy ra một số bệnh như sình bụng, tiêu chảy, ký sinh trùng. Do vậy nên thường xuyên vệ sinh chuồng trại và cho hươu ăn thức ăn xanh tươi.

Dự kiến phân tích bước đầu thử nghiệm mô hình 5 năm, tổng thu sẽ là 388.000.000 đồng; tổng chi 272.256.000 đồng; lợi nhuận là 115.440.000 đồng. Và tổng đàn sẽ lên 22 con. Đó là chưa tính đến yếu tố hươu khai thác lên đến 20-30 năm, như vậy tổng đàn hươu vừa lấy nhung vừa sinh sản trong từng ấy năm sẽ nhân lên rất nhiều. Vậy nên, nuôi hươu sao là một mô hình làm giàu mới, khai thác lâu bền và rất khởi sắc từ mô hình làm kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái cho bà con vùng nông thôn của thành phố du lịch.

 

Mải mê vừa ngắm vừa trao đổi với nhau về 4 chú hươu sao trong trang trại của anh Hải, nắng đã lên đỉnh đầu lúc nào không hay. Như cũng vừa xong cuộc trò chuyện với chúng tôi, các chị hươu cái chậm rãi từng bước đi tìm bóng râm chui vào núp nắng.

Tiếng két, tiếng nhồng kêu, tiếng các loại chim hót, chuyền cành trong trang trại như níu bước chân chúng tôi. Rời khu vực nuôi hươu, chỉ vài bước chân, tôi nín thở đợi công xòe đuôi, bởi công chỉ thân quen với chủ, rất nhát người lạ. Những lúc đó, anh phượng hoàng cứ chảnh chọe lượn qua lượn lại trong chuồng trông thật sướng mắt. Những cặp đôi trĩ đỏ, trĩ vàng cứ xoạc đôi cánh khoe vẻ đẹp của bộ lông được tạo hóa ban cho. Những bước chân di chuyển từ chuồng thú nuôi này đến thú nuôi khác, tôi cũng dừng chân nơi ao cá với đủ loại cá. Cậu bé con anh Hải, mới lớp 2 thôi mà trông chững chạc như anh chàng lớp 5. Như biểu diễn, bé lấy một tô thức ăn viên, vừa vẫy cho cá ăn rất thuần thục, điệu nghệ vừa trò chuyện với tôi rằng “mỗi ngày con cho cá ăn 1 tô như vầy, nếu khách thích xem cá ăn cho vui mắt thì con cho ăn tiếp nhưng ít thôi” (anh Hải lồng ghép mô hình trang trại sinh thái có phục vụ ăn uống). Với tay chỉ “ở cái chuồng cút đằng kia, nếu không trúng đợt thay lông như hiện nay, con cho cô vào lượm trứng cút đã luôn” - nói xong bé cười tít mắt, trông cưng gì đâu.

Nắng đã ngã dần về sau, mọi người hú nhau về. Tìm mãi không thấy bóng dáng nàng giám đốc, thì ra cô nàng đang say sưa dưới tán dâu tằm. “Ngon lắm chị. Lần nào ra thăm trang trại tụi em cũng say mê với mấy em này”. Cứ thả hồn theo thú nuôi mà quên ngắm thế giới xung quanh. Thì ra khu trang trại nhà anh Hải cũng lắm cây ăn trái. Nói chung đây là khu vực lý tưởng để làm mô hình trang trại sinh thái phục vụ du khách.

Rồi cũng đến lúc phải chia tay. Rời khu trang trại, khu Trình diễn Mô hình nuôi hươu sao của Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ nông nghiêp thành phố Phan Thiết, trên con đường bê tông không còn nguyên vẹn, lởm chởm đá, chúng tôi mỗi người một suy nghĩ, một ước muốn nhưng tựu trung lại đó vẫn là ước muốn khi mô hình thành công thì con đường và khu trang trại sinh thái hoàn thiện để nơi đây sẽ là một điểm đến đón bước chân du khách tham quan. Người dân vùng quê Thiện Nghiệp không chỉ làm giàu từ những mô hình chuyển đổi cây con giống mới mà bước vào khai thác, làm giàu từ mô hình du lịch xanh.

Vừa ra đoạn đầu vào khu trình diễn, mọi người dừng xe để làm vài tấm ảnh kỷ niệm. Bất chợt đâu đó, một luồng gió xuân mơn man phơn phớt trên những đôi má đã hây hây, bỗng mọi người không ai bảo ai đều mở tung chiếc khẩu trang để đón luồng gió mới trên quê hương Thiện Nghiệp – ngọn gió mát sau những năm đại dịch, với chung một niềm tin tưởng rằng Xuân đã về trên vùng đất Thiện Nghiệp./.

 

Thực hiện: Kiều Loan

 

Kiều Loan
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập