• Du lịch Bình Thuận
1 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
SỬA ĐỔI LUẬT HỢP TÁC XÃ: ĐA DẠNG HÓA CÁC HÌNH THỨC LIÊN KẾT, HỢP TÁC CỦA CÁC LOẠI HÌNH KINH TẾ TẬP THỂ
Lượt xem: 704

Sáng nay (10/11), Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Quan tâm đến Dự án Luật này, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý cho rằng sửa đổi Luạt theo hướng đa dạng hóa các hình thức liên kết, hợp tác, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạ

Đa dạng hóa các hình thức liên kết, hợp tác của các loại hình kinh tế tập thể

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Qua tiến hành thảo luận tổ, nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm đã được các đại biểu đưa ra nhằm đóng góp hoàn thiện dự thảo luật.

Đóng góp ý kiến về dự án Luật này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, ĐBQH tỉnh Bình Thuận, Phạm Thị Hồng Yến đề nghi Luật Hợp tác xã (sửa đổi) thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo khung khổ pháp luật thuận lợi để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển hợp tác xã ở nước ta, lấy hợp tác xã là trung tâm để xây dựng khung pháp lý chung; kế thừa tối đa các quy định còn phù hợp và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, cần khắc phục những bất cập hiện hành, tạo khuôn khổ pháp luật cụ thể cho tất cả các loại hình kinh tế tập thể hoạt động trong các lĩnh vực, ngành, nghề; tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể phát triển nhanh, bền vững và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, gắn với hội nhập quốc tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng bao trùm; sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị trong nước và quốc tế; góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến, ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Đại biểu kiến nghị các quy định cần hướng đến đa dạng hóa các hình thức liên kết, hợp tác, chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể theo cơ chế thị trường, bảo đảm tôn trọng bản chất, mục tiêu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã; từng bước sáp nhập các hợp tác xã để tăng quy mô, thành lập các Liên hiệp hợp tác xã, tập đoàn kinh tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất, kinh doanh quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia và địa phương.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị xác định rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (bao gồm Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) là tổ chức đại diện, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và nguồn lực thực hiện phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cho hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Khắc phục kịp thời tình trạng buông lỏng quản lý trong phát triển kinh tế tập thể

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật quan trọng này, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, cần sửa đổi Luật Hợp tác xã theo hướng từng bước sáp nhập các hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất, kinh doanh quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia và địa phương.

Mặt khác, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng cho rằng cần hướng tới xóa bỏ “tiền kiểm” và tăng cường “hậu kiểm”, khắc phục kịp thời tình trạng buông lỏng quản lý đối với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian qua; tạo cơ chế phù hợp với quy định cụ thể, rõ ràng để hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường

Đối với chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập, hợp tác xã trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng cần cụ thể hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu với các nhóm chính sách cụ thể như phát triển nguồn nhân lực; đất đai; tài chính; tín dụng; khoa học - công nghệ; hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; bảo hiểm xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam các chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện để các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gồm phát triển thành viên; hợp tác xã chuyển đổi từ tổ hợp tác; phát triển hợp tác xã quy mô lớn, sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị chủ lực quốc gia, vùng miền địa phương; kết cấu hạ tầng, vùng nguyên liệu, trang thiết bị bảo quản, chế biến, tham gia hoạt động nhập, xuất hàng dự trữ Quốc gia.

Thêm vào đó, tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi thực hiện đầy đủ quy định của Luật Hợp tác xã và quy định khác của pháp luật có liên quan; xếp loại hợp tác xã từ mức trung bình trở lên; báo cáo kiểm toán nội bộ không quá 12 tháng đến thời điểm đề xuất hỗ trợ; thành viên của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh.

Xác định rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Góp ý vào dự án Luật, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Tp. Đà Nẵng Phạm Công Chính cho rằng, Điều 109 trong Dự thảo Luật quy định về Liên minh Hợp tác xã là chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong bối cảnh tình hình hiện nay.

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Tp. Đà Nẵng, kinh tế tập thể, hợp tác xã được Đảng và Nhà nước khẳng định là một thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng trên thực tế khu vực này còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến nay khu vực này vẫn đang còn gặp rất nhiều khó khăn, nan giải nên rất cần có sự hỗ trợ phát triển của Liên minh Hợp tác xã là tổ chức đại diện của các tổ chức kinh tế tập thể, theo đó, nhiệm vụ chính trị của Liên minh Hợp tác xã hiện nay chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ được giao là nhiệm vụ trọng tâm, còn về thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế tập thể là một phần công việc rất nhỏ trong tổng thể công việc nhiệm vụ của Liên minh Hợp tác xã; do đó, Dự thảo Luật lần này cần phải được làm rõ vai trò, vị trí, địa vị pháp lý của Liên minh Hợp tác xã.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Tp. Đà Nẵng nêu rõ, Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã xác định quan điểm chỉ đạo của Đảng là: “Củng cố, tăng cường hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã là tổ chức đại diện của các tổ chức kinh tế tập thể, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, làm cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với thành phần kinh tế tập thể, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; …đồng thời, nghiên cứu giao Liên minh Hợp tác xã thực hiện một số nội dung dịch vụ công phù hợp với quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của Liên minh”.

Từ căn cứ này, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Tp. Đà Nẵng kiến nghị Ban soạn thảo Dự án Luật bỏ quy định về “Liên minh Hợp tác xã hoạt động theo các quy định của pháp luật về Hội” (tại Điều 109 Dự thảo Luật); đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định Điều 109 Dự thảo Luật về “Liên minh Hợp tác xã” theo hướng quy định cụ thể, chi tiết về các thành viên chính thức, điều lệ tổ chức và hoạt động, xác định rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và các điều kiện, nguồn lực thực hiện để đảm bảo Liên minh phát huy được vai trò, trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội (quochoi.vn)