Ngày ấy, người Chăm trên đất Tuy Phong

BT - Tuy Phong từ xa xưa còn mãi ám ảnh là một vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, khô hạn nhất nước. Những dãy đồi cát trắng nối tiếp nhau như chạm vào chân núi quanh năm hừng hực cái nắng lẫn trong gió mịt mù. Địa danh Tuy Phong xuất hiện từ năm Minh Mạng thứ 8 (1832) khi lập 2 phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận cùng với 2 huyện Tuy Phong và Tuy Định. “Tháng 10/1832, Chúa Chăm cuối cùng Pô Phaok The dâng toàn bộ đất và dân cho vua Minh Mạng. Vua Minh Mạng với lòng bao dung đã duy trì hoàng gia Chăm. Các hoàng tử Chăm nhận nhiều chức vụ do vua ban ở huyện Hòa Đa Thổ (sau đổi thành quận Phan Lý Chàm) và một phần của huyện Bắc Bình, Tuy Phong hiện nay” (theo Địa chí Phan Rí Cửa – Nxb Hội Nhà văn 2015).

Tháp Pô Dam. Ảnh: N.Lân

Địa giới huyện Tuy Phong kéo dài từ sông Ma Bố đến sông Duồng, lúc này thuộc phủ Ninh Thuận, cùng năm phủ Bình Thuận trở thành tỉnh. Năm đầu Đồng Khánh (1886) tách hai tổng Tuy Tĩnh, La Bá đặt thêm Hòa Đa Thổ huyện (theo Đại Nam nhất thống chí-Bình Thuận do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn và hoàn thành năm 1882). Cư dân bản địa là người Chăm và Raglai nhưng ở đây qua sử liệu ghi chép là dân Thổ, trại Mán… Nếu theo phân bổ dân tộc học nước ta thì không phù hợp về địa lý. Đến năm 1888 có sự điều chỉnh sáp nhập lại, huyện Tuy Phong thuộc về phủ Hàm Thuận (Bình Thuận), nằm trên phần đất địa đầu của tỉnh Bình Thuận tính từ mũi Cà Ná trở vào, cũng là địa giới của phủ Ninh Thuận thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Nói đến Tuy Phong, theo lịch sử từ sau năm 1471 dưới thời Lê Thánh Tông thì vương quốc Champa không còn nữa, tuy có thu hẹp lại nhưng vẫn tồn tại do chính sách khéo léo của Đại Việt vì chưa đủ điều kiện phát triển, quản lý sâu vào vùng đất này cho đến năm 1832 mới thực hiện được (theo “Sử Việt đọc vài quyển” của Tạ Chí Đại Trường). Mặc dù cuối thế kỷ XVI, thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) lớp dân miền Trung lưu tán vào Nam, cũng chỉ đến đất Phan Rang, sống nghề biển và làm nông. Đến đầu thế kỷ XIX thì ở đây đón nhận nhiều đợt di dân, di cư có quy mô, đông đảo hơn. 

Có lẽ vùng đất Tuy Phong và lân cận (Bắc Bình) có nhiều di tích đền tháp nhất trong tỉnh Bình Thuận. Căn cứ vào năm hình thành, xây dựng đã chứng minh được quá trình cư dân Chăm sinh sống từ lâu. Ba ngôi đền Pô Inưgăr, còn gọi đền Bà Chúa Xứ (xã Phú Lạc - Tuy Phong), xây dựng vào thế kỷ XVII, và một số Đền Pô Loong Girai (Pô Khoong Gì-rài) đối diện núi Tàu (Phú Lạc); Tháp Pô Dam (Pô Tằm) còn gọi tháp Ông Gầm vào khoảng cuối thế kỷ VIII; Đền Pô Kabrah (Pô Ka-brả) là con của Pô Kathit (thôn Vĩnh Hanh-Phú Lạc); Đền Pô Kabih (Pô Ka-bỉ) ở thôn Lạc Trị- Phú Lạc, theo sơ thảo của nhà nghiên cứu Kinh Duy Trịnh (Tuy Phong). Trong tập biên khảo của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường “Thần người và đất Việt” (nxb VHTT 2006, tr.240), đề cập đến mối quan hệ về tín ngưỡng giữa Việt và Chăm như sau: “Bà Chúa Xứ Chàm đã trở thành một bà thần Việt qua thơ văn, mang dạng tiên nương trong một khung cảnh lung linh huyền ảo của Đạo giáo mà chưa mất dấu vết xa lạ”. Với nghĩa Po Yan Nưga/ Thiên Yana Diễn Bà/Chúa Ngọc Thánh phi.

Nhiều địa danh gốc Chăm dù phiên âm qua cách đọc của người Việt cũng gắn liền về một sự tích khá kỳ thú như Cà Ná, phần bờ biển cửa ngõ vào đất Bình Thuận, giáp ranh Ninh Thuận. Cách đó không xa là Mũi Dinh thuộc Ninh Thuận (Diên Chủy), Cà Ná có một đoạn bờ biển thơ mộng dài khoảng 2 cây số nhưng có điểm độc đáo là con đường sắt Bắc - Nam chạy sát với đường quốc lộ 1A, có nơi chỉ cách nhau vài mét. Nhiều tài liệu nghiên cứu giải thích trước đây con đường cái quan đi ngang ngã ba làng Rabha Ralauw với một con suối, tức suối Vĩnh Hảo nên người Chăm gọi là Canah Kluw nhưng chỉ đọc Canah/ tẻ ra, Klauw/ngã ba, lâu sau chỉ đọc Canah/ Cà Ná. Dòng suối Vĩnh Hảo chảy từ hang động ra, với nguồn muối khoáng có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả. Từ năm 1928 người Pháp đã khai thác, trở thành thương phẩm nổi tiếng cả nước cho đến sau này. Lưu truyền, đây cũng là nơi nghĩ dưỡng cho hoàng tộc của Vương quốc Champa và có vườn mai uyển của Chế Mân để thêm phần thơ mộng với Vương hậu 2 Huyền Trân đến đây tận hưởng. Câu hát xưa còn trong dân gian: “Vũng biển bờ cao/ Vũng biển mang bầu/ Tiếng động rục rịch trong Cà Ná”. Những địa danh xưa theo sử quán nhà Nguyễn như núi Chà Bang, núi Ô Cam, sông Ma Bố (thuộc Ninh Thuận), sông Duồng,  Phan Rí, vũng La Hàn (vịnh La Gàn), Duồng, Ma Ó, Cà Lon, Cà Tót, các dịch trạm Thuận Hảo, Thuận Võng… nay đã mất dần, thay bằng tên gọi địa danh hành chánh của các thời kỳ sau này, nhưng vẫn là cái mốc để xác định được bối cảnh địa lý, lịch sử của một vùng đất.

Cộng đồng người Chăm trước đó là người bản địa của Tuy Phong nhưng sau khi hòa nhập với người kinh thời Đại Việt, trong đó một bộ phận cư dân Kinh Cựu (Yuôn-Chăm/Việt- Chăm), đàn ông Việt lấy vợ người Chăm có sự tác động, hòa hợp tích cực trong đời sống xã hội đã tạo nên những nét đẹp văn hóa đặc trưng ở đây. Nghề biển truyền thống bị thu hẹp nên người Chăm chuyển dần vào sâu đất liền, một số sống lẫn với dân tộc miền núi, theo nghề trồng trọt, chăn nuôi. Cư dân tập trung đến nay rõ nhất là xã Phong Phú và xã Phú Lạc (Tuy Phong). Chế độ phân bổ đất đai dưới triều Nguyễn đối với vùng đất đông cư dân Chăm có đặc ân riêng với bốn loại ruộng: Dân điền (giống quy chế người kinh), và 3 loại Phiên liêu điền, Trà nương điền và Dương điền còn gọi là Tộc điền, trước đó được miễn thuế để dùng vào việc thờ tự vua Chiêm nhưng sau này thuế lệ này áp dụng theo ruộng người dân địa phương. (Nghiên cứu địa bạ Bình Thuận- Nguyễn Đình Đầu- tr.95).

Người Chăm cũng biết làm ruộng muối, giỏi nghề thủ công mỹ nghệ, đúc luyện kim loại làm tượng nhỏ, khay trầu bình vôi, cán gươm, gốm sứ… chạm trổ hoa văn tinh xảo. Đàn bà quen thuộc và nhuần nhuyễn với nghề dệt vải, thổ cẩm. Ở những đền tháp của Chăm còn lưu lại những nét kiến trúc, điêu khắc đặc sắc, biểu đạt ý nghĩa tâm linh trong tín ngưỡng.

Với chặng đường dài hàng trăm năm của buổi đầu hình thành vùng đất Tuy Phong. Năm 1970, tỉnh Bình Thuận gồm 7 quận, trong đó Tuy Phong có 20.554 người dân (theo tài liệu HES). Đến năm 2006, theo Địa chí Bình Thuận có 2 thị trấn Liên Hương, Phan Rí Cửa và 9 xã với dân số trên 122.162 người. Trong “Việt Nam những sự kiện lịch sử” (tập 2) của Dương Kinh Quốc “Ngày 18/2/1916, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập thị xã Phan Rí (Bình Thuận)”, là thị xã thứ 2 sau Phan Thiết. Trong quá trình mở đất của người Việt, chỉ khoảng 3 thế kỷ trước đây nhưng với xu thế phát triển, mang sứ mệnh tạo dựng, hình thành một vùng đất Tuy Phong tuy khắc nghiệt nhưng biết khai thác, chộp lấy cơ hội để vượt qua những thử thách của thiên nhiên và biến động từ chiến tranh. Có thể khẳng định từ sau thời kỳ chế độ phong kiến, thực dân thống trị chấm dứt thì vấn đề dân tộc được giải quyết, cộng đồng dân cư Việt - Chăm trở thành một lực lượng thống nhất, xây dựng sự hòa đồng, hòa hợp, bình đẳng tạo nên sức mạnh và ý chí vì đất nước, quê hương.

Phan Chính

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang