Trong giai đoạn 2017-2022, dưới sự chỉ đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, các ban
của Đảng, bộ, ngành của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc,
các đoàn thể chính trị, địa phương, doanh nghiệp hai nước đã chủ động phối hợp
và tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận, hiệp định, kế
hoạch, chương trình hợp tác giữa hai bên và đạt được những kết quả thiết thực trên tất cả các lĩnh vực,
góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế -
xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở mỗi nước; tiếp tục củng cố và tăng cường
quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào,
đồng thời nâng cao vị thế, uy tín của hai Đảng, hai nước trên trường quốc tế,
đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và
thế giới. Kết quả cụ thể như sau:
1. Quan hệ chính trị tiếp tục được tăng cường và
ngày càng đi vào chiều sâu, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể
trong quan hệ hai nước.
Hai bên luôn
khẳng định quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt
Nam - Lào là mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có, là quy luật phát triển,
nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng mỗi nước, là tài sản chung vô giá
của hai Đảng, hai dân tộc, cần được giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền tiếp cho
các thế hệ mai sau.
Hai bên đã phát huy những cơ chế hợp tác sẵn có, đồng
thời triển khai những cơ chế hợp tác mới; phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề
chiến lược; thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp dưới nhiều hình
thức, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, nổi bật có
các chuyến thăm Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính
phủ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và các chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Lào. Bên cạnh đó,
chuyến thăm của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng của
hai bên…; ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai Chính
phủ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy quan hệ hợp tác; tập trung triển
khai thực hiện tốt các thỏa thuận và Tuyên bố chung được ký kết giữa lãnh đạo
cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
trong việc thực hiện các thỏa thuận.
Các ban của Đảng, bộ, ngành của
Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận, đoàn thể và địa phương hai nước đều
ký kết và tích cực triển khai các thỏa thuận, chương trình hợp tác song phương
và thường xuyên có các chuyến thăm lẫn nhau; chia sẻ kinh nghiệm về công tác
xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, quản lý nhà nước, phát triển kinh
tế - xã hội và hội nhập quốc tế cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác mà hai
bên cùng quan tâm. Đặc biệt, liên quan đến các vấn đề lý luận, thực tiễn và
chia sẻ kinh nghiệm về công cuộc đổi mới phát triển đất nước, từ năm 2017 đến
nay, hai bên đã phối hợp tổ chức 5 cuộc hội thảo lý luận với các chủ đề: Hội
nhập quốc tế: Kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Lào; Phát triển nhanh,
bền vững; Công tác tư tưởng trong điều kiện hiện nay: Thực trạng, vấn đề đặt ra
và giải pháp; Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong tình hình mới;
Những vấn đề lý luận-thực tiễn mới trong văn kiện Đại hội XIII Đảng Cộng sản
Việt Nam và Đại hội XI Đảng Nhân dân Cách mạng Lào…
Trong 5 năm qua, hai bên đã phối
hợp tổ chức nhiều sự kiện quan trọng trong quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước với
nhiều hoạt động phong phú, sâu rộng, có ý nghĩa thiết thực, có sức lan tỏa rộng
khắp đến các tầng lớp nhân dân và các bộ, ban, ngành, địa phương; đặc biệt là
việc tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ
ngoại giao và 40 năm Ngày ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào
(năm 2017). Nhân các ngày lễ quan trọng, lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà
nước đều gửi thư, điện chúc mừng, thăm hỏi lẫn nhau.
Hai bên luôn phối hợp tuyên truyền sâu rộng về mối quan
hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, nhất là trong thế hệ trẻ, nhân các sự kiện
trọng đại trong quan hệ giữa hai nước; triển khai xây dựng một số công trình và
tôn tạo các di tích lịch sử về quan hệ Việt Nam - Lào ở mỗi nước.
Hoàn thành Công trình Nhà Quốc hội
Lào, Tượng đài Tình đoàn kết liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam tại tỉnh
Xaisomboun; khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng Chủ tịch Cay-xỏn
Phôm-vi-hản tại khu di tích Lao Khô thuộc tỉnh Sơn La (năm 2017); Dự án biên
dịch các bộ sách kinh điển Mác - Ăng-ghen, Lê-nin và Hồ Chí Minh Toàn tập sang tiếng Lào
và bộ phim tài liệu Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông; tặng
thưởng huân chương, huy chương cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất
sắc trong việc góp phần thúc đẩy và tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt
Nam - Lào.
Về phối hợp
phòng, chống dịch Covid-19: Hai bên đã thể hiện sự chia sẻ, giúp đỡ nhau trong
năm 2021: Đảng, Nhà nước Việt Nam đã hai lần hỗ trợ Đảng, Nhà nước Lào ứng phó
với dịch Covid-19 số tiền mặt 2.650.000 USD cùng trang thiết bị y tế trị giá
hơn 2 triệu USD; tặng Bạn Lào 1 triệu liều vắc-xin; cử các đoàn chuyên gia y tế
và quân y sang hỗ trợ Lào chống dịch được Bạn đánh giá cao. Đảng, Nhà nước Lào
và các doanh nghiệp của Lào đã hỗ trợ Việt Nam 1,7 triệu USD (trong đó doanh
nghiệp là 1,4 triệu USD). Hai bên phối
hợp chặt chẽ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân hai nước, lưu học sinh xuất
nhập cảnh, cách ly, sinh sống và học tập bình thường.
Trong năm 2021 và những tháng đầu
năm 2022, dù bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng hai bên
đã phối hợp tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc của mỗi Đảng và bầu
cử đại biểu Quốc hội ở mỗi nước trong năm 2021; duy trì các chuyến thăm, các
cuộc điện đàm và tiếp xúc cấp cao bằng nhiều hình thức linh hoạt, nổi bật là
chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào
Thoong-lun Xi-xu-lít (tháng 6/2021), Chủ tịch Quốc hội Lào Xay-xổm-phon
Phôm-vi-han thăm chính thức Việt Nam (tháng 12/2021), Thủ tướng Chính phủ Lào
Phăn-khăm Vị-pha-văn thăm chính thức Việt Nam và khai mạc Năm Đoàn kết hữu nghị
Việt Nam – Lào (tháng 01/2022), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hữu nghị
chính thức Lào (tháng 8/2021), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức
Lào (tháng 5/2022) đã tiếp tục khẳng định tình đoàn kết, gắn bó, tin cậy, thủy
chung, trong sáng, trước sau như một giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân
hai nước; thể hiện chính sách đối ngoại nhất quán của cả hai nước là đặc biệt
coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc giữ gìn, không ngừng củng cố và
phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt
Nam – Lào. Hai bên cũng duy trì các cơ chế hợp tác song phương quan trọng,
trong đó có các Kỳ họp của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào. Hai nước đã
phối hợp với Campuchia tổ chức thành công cuộc gặp giữa ba đồng chí đứng đầu ba
Đảng Việt Nam – Lào – Campuchia (tháng 9/2021), đây là cuộc gặp lịch sử có ý
nghĩa quan trọng đối với quan hệ ba Đảng, ba nước kể từ năm 1990 đến nay.
Về đối ngoại, hai bên thiết lập và
triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế tham vấn thường niên cấp Trưởng Ban
Đối ngoại Trung ương và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; tăng cường trao đổi thông tin
về tình hình thế giới và khu vực mà hai bên cùng quan tâm; phối hợp chặt chẽ,
hiệu quả trong các hoạt động tại các diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc,
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Khu
vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), Hợp tác Campuchia -
Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady
- Chao Phraya - Mekong (ACMECS) và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong, góp
phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước.
2. Hợp tác quốc
phòng - an ninh tiếp tục được coi là trụ cột trong quan hệ giữa hai nước
Hai bên luôn phối hợp chặt chẽ và
hỗ trợ lẫn nhau nhằm bảo đảm ổn định chính trị, an ninh và trật tự, an toàn xã
hội ở mỗi nước; thực hiện tốt Nghị định thư hợp tác 05 năm và Kế hoạch hợp tác
giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hai nước. Hai bên đã hoàn thành Dự án tăng dày
và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào;ký 02 văn kiện pháp lý quan trọng năm 2016 là “Nghị định thư về đường biên giới và mốc giới
Việt Nam - Lào” và “Hiệp định về quy
chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào”; nâng
cấp một số cửa khẩu chính lên cửa khẩu quốc tế; duy trì cơ chế Cuộc họp thường niên giữa hai Trưởng
đoàn đại biểu biên giới Việt Nam - Lào; cơ bản hoàn thành Thỏa thuận cấp cao
Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong
khu vực biên giới hai nước.
Hai bên tiếp tục duy trì trao đổi thông tin,
hợp tác chặt chẽ nhằm bảo đảm an ninh, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào
ổn định, phát triển toàn diện; tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới
lần thứ nhất;khẳng định nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng nào dùng
lãnh thổ của nước này để chống nước kia; tăng cường tổ chức tuần tra chung, tìm
kiếm cứu nạn, kiểm tra giám sát tại các cửa khẩu; trao đổi kinh nghiệm trong
công tác xây dựng lực lượng quân đội hai nước; phòng, chống tội phạm xuyên quốc
gia; ngăn chặn và xử lý khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép, buôn lậu,
vận chuyển ma túy và những vấn đề tiêu cực khác nảy sinh tại khu vực biên giới
hai nước. Hai bên cũng phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch bệnh
COVID-19; tiếp tục củng cố và phát huy vai trò của các cụm, bản; phối hợp, tu
bổ các tượng đài biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị và liên minh chiến đấu
Việt Nam - Lào tại Lào; phối hợp tìm kiếm và quy tập hài cốt chiến sĩ, quân tình
nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào.
3. Hợp tác kinh tế, văn hóa, y tế
và khoa học - kỹ thuật đã có chuyển biến tích cực.
Việt Nam và Lào tích cực triển khai
các hiệp định giữa hai Chính phủ và thỏa thuận tại các kỳ họp của Ủy ban liên
Chính phủ; tích cực triển khai Thỏa thuận về Chiến lược hợp tác kinh tế, văn
hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Lào; tăng cường công tác hướng
dẫn, kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tiếp tục ký
kết nhiều văn kiện hợp tác, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để thúc đẩy hợp tác
giữa hai nước.
Về đầu tư, tính đến nay, Việt Nam có 214 dự án đầu tư sang
Lào còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,33 tỷ USD, tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trong số các nước
có hoạt động đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc, Thái Lan). Một số dự án đã đi vào
hoạt động đạt hiệu quả tốt, đã có doanh thu, thực hiện các nghĩa vụ tài chính với
các cơ quan nhà nước Lào và tạo ra việc làm ổn định cho hàng vạn lao động của
Lào. Từ năm 2017 đến năm 2021, hai bên
tích cực triển khai và đưa vào sử dụng nhiều công trình, dự án sử dụng nguồn
vốn viện trợ, trong đó có dự án trọng điểm như Bệnh viện Hữu nghị tại tỉnh Hủa-phăn
và tỉnh Xiêng-khoảng của Lào. Đặc biệt, hai bên hoàn thành dự án công trình Nhà
Quốc hội mới của Lào. Đây là món quà của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành
tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, là biểu tượng của mối quan hệ đặc biệt
Việt Nam - Lào.
Về thương mại, hai bên tiếp tục thúc đẩy, đàm
phán và ký kết nhiều văn bản quan trọng, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
về thương mại (Hiệp định thương mại song phương mới, Hiệp định thương mại biên
giới, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định quá cảnh hàng hóa Việt Nam - Lào, Đề án
phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào…); chủ động, tích cực triển khai
các văn kiện đã ký kết và cơ chế “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc
tế Lao Bảo –Đen-xạ-vẳn, tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại.
Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại Việt Nam –
Lào đã có những bước phát triển đáng kể, tốc độ tăng bình quân 4%/năm. Kim ngạch thương mại
Việt Nam - Lào năm 2021 đạt trên 1,37 tỷ USD (tăng khoảng 33,3% so với năm 2020). Giai đoạn 2021-2025, hai nước phấn đấu tăng kim ngạch
thương mại hai nước mỗi năm tăng 10%.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại
hai nước đạt 558,2 triệu USD (tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó xuất
khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 192,2 triệu USD, tăng 11,8% và nhập khẩu của Việt
Nam từ Lào đạt 366 triệu USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Về giao thông vận tải, hai bên tiếp tục tập trung thực
hiện Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao
thông vận tải giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, hai bên
phối hợp nghiên cứu, thúc đẩy tìm kiếm nguồn vốn triển khai các dự án trọng
điểm; triển khai Hiệp định hợp tác và đầu tư phát triển cụm bến cảng 1, 2, 3
tại cảng Vũng Áng; cơ bản hoàn thành dự án xây dựng sân bay Nỏng-khạng tại tỉnh
Hủa-phăn. Hai bên ký kết Thỏa thuận về xây dựng và khai thác tuyến đường sắt
Vũng Áng - Viêng Chăn; phối hợp đề nghị với Nhật Bản xem xét triển khai thực
hiện dự án tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn; đẩy mạnh hợp tác trong
lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về giao thông vận
tải.
Về lĩnh vực năng lượng điện, hai bên đã ký kết Biên bản
ghi nhớ về phát triển các dự án thủy điện tại Lào và mua bán điện giữa hai nước
đến năm 2030 và Hiệp định về hợp tác phát triển các công trình năng lượng điện
và mỏ; ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác mua bán điện từ các công trình điện gió…
Về nông lâm và phát triển nông thôn,hai Bên đã thống nhất coi hợp tác
trong lĩnh vực này là rất quan trọng, theo đó đã tăng cường trao đổi chuyển
giao công nghệ, kỹ thuật và xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn
giảm nghèo, nâng cao năng lực thể chế, chính sách trong quản lý sản xuất nông
lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi. Hai Bên tiếp tục hỗ trợ có hiệu quả cho phát
triển nông thôn vùng trọng điểm tại các
tỉnh: Xiêng-khoảng, Hủa-phăn, Xay-xổm-bun; hoàn thành xây dựng các trung tâm dịch
vụ kĩ thuật nông nghiệp; thống nhất xây dựng một số dự án thủy lợi. Hai bên đã
phối hợp thực hiện tốt việc quản lý và bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên,
ngăn chặn việc buôn bán-vận chuyển gỗ trái phép và lâm sản - thú rừng xuyên
biên giới.
Về lĩnh vực y tế, công tác khám, chữa bệnh cho
cán bộ và nhân dân Lào tại Việt Nam, nhất là tại các tỉnh có chung đường biên
giới và công tác phối hợp khám, chữa bệnh từ xa tiếp tục được quan tâm thúc
đẩy; Việt Nam luôn tạo điều kiện giúp Lào đào tạo cán bộ y tế; phối hợp chặt
chẽ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
4. Hợp tác về giáo dục - đào tạo,
phát triển nguồn nhân lực
Việc triển khai Đề án nâng cao chất
lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển
nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 đã tạo ra sự thay đổi tích cực đối với
công tác đào tạo nguồn nhân lực của Lào, trong đó điểm nhấn là việc triển khai
xây dựng, sửa đổi các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao công tác quản lý, tiếp
nhận, đào tạo du học sinh Lào, điều chỉnh các chế độ học phí, sinh hoạt phí,
tạo điều kiện cho công tác đào tạo ngày càng hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ
rệt về số lượng và chất lượng. Hai bên phối hợp đẩy mạnh phong trào học tiếng
Việt tại các cơ sở đào tạo và các cơ quan của Lào; hoàn thành biên soạn và bàn
giao chương trình tiếng Việt (thực hiện thí điểm) từ lớp 1 đến lớp 12 để giảng
dạy tại các trường trung học có nhu cầu và có đủ điều kiện tại Lào; biên soạn
sách giáo khoa tiếng Việt cho học sinh Lào; thí điểm dạy song ngữ Việt - Lào
trong Trường song ngữ Nguyễn Du, xây dựng từ điển Việt - Lào. Bên cạnh đó, hai
bên cũng thúc đẩy triển khai các dự án sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới trường
học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức công tác dạy và học của học sinh,
sinh viên; đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cán bộ tại Lào. Cuối năm 2020, hai bên
đã ký kết Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong
lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 – 2030, theo đó
mỗi năm Việt Nam dành cho Lào hơn 1000 suất học bổng đào tạo và bồi dưỡng và
Lào dành cho Việt Nam 60 suất học bổng.
Hai bên đã
thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực dạy nghề thông qua cung cấp các trang thiết bị
phục vụ cho việc dạy nghề của Lào; triển khai hợp tác hiệu quả trong tập huấn
tay nghề cho các thí sinh Lào tham dự Hội thi tay nghề ASEAN hằng năm.
5. Quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các ban,
bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, Mặt trận, các đoàn thể, các địa phương
Trong các
chuyến thăm lẫn nhau, hai bên trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng,
phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; giúp đỡ lẫn nhau
giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung đường biên giới trong việc
xây dựng kết cấu hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xóa
nghèo, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.
Hoạt động đối ngoại nhân dân được
hai nước hai nước hết sức quan tâm trong đó Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ
chức chính trị xã hội của hai nước thường xuyên tổ chức các chuyến thăm, trao đổi
kinh nghiệm, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.
Qua đó gópphần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, thúc
đẩy quan hệ Việt Nam - Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu./.