BT- Từ quốc lộ 1A, khu vực Nhà máy nước suối Vĩnh Hảo (Tuy Phong), đi về hướng đông chừng 2 km dọc theo núi Tàu là đến Cửa Sứt. Làng chài nhỏ với 90 hộ gần 500 khẩu nằm bên eo biển đẹp, nước xanh trong vắt dưới khí trời dìu dịu…
|
Biển Cửa Sứt. |
Xưa nghèo tận đáy cát
Chúng tôi về làng biển Cửa Sứt (xã Phước Thể) trong cái nắng hanh hao mùa chớm hạ. Khác với vẻ tấp nập, ồn ào thường thấy của nhiều làng biển, không khí ở làng chài Cửa Sứt rất dễ chịu và ôn hòa. Cuộc sống của người dân làng chài vẫn mộc mạc, giản đơn như cái “hồn” vốn có tự bao đời với những chiếc thuyền thúng, với mái chèo và những tấm lưới buông lơi trên biển. Ở đó là nơi mà những người con vùng biển chất phác, với làn da rám nắng vẫn ngày ngày kiếm sống bằng những thứ quà của biển ban tặng.
Cửa Sứt 10 năm trước, theo trưởng làng Đoàn Xuân Dũng là nghèo lắm. Chẳng nhà ai có được xe máy để đi, làng trần ai trên cát, ngõ trên xóm dưới đi đâu cũng đường đất cát, cát phủ khắp nơi, cát thiêu nóng chân từ trong nhà ra ngoài biển, đời sống cơ bề tứ khổ. Lối ra làm ăn chẳng hề có.
Ấy là khung cảnh của 10 năm trước, trước đó nữa còn khổ hơn, nhà vách bằng cót tre, giấy dầu tạm bợ, những mảnh nhà úp lên nền cát gọi là xóm. Trong ký ức xa xưa, Cửa Sứt là vùng kinh tế mới, nhiều cư dân đến sinh cơ lập nghiệp, trước là biển, bên cạnh là cánh đồng lúa phì nhiêu. Thế rồi, đùng một cái, 2 dự án muối Vĩnh Hảo và nuôi tôm Núi Tàu rộng hàng trăm ha mọc lên ở 2 hướng Bắc Nam, Cửa Sứt ở giữa lâm vào thế khó. Thời ấy, Cửa Sứt vẫn là một làng biển nghèo nàn với những con đường đất cát nóng bỏng bàn chân, đường giao thông độc địa dọc theo núi Tàu nhưng sình lầy vào mùa mưa, điện thắp sáng, nước sinh hoạt không có… Đã có lúc người ta tính chuyện phải di dời cư dân Cửa Sứt, thế nhưng khi ngư dân “gác chèo, bỏ lưới” đến nơi ở mới sẽ mưu sinh bằng nghề gì thì vẫn là câu hỏi chưa có lời giải. Cuối cùng, ngư dân vẫn chọn Cửa Sứt làm nơi an cư lạc nghiệp, nương tựa vào nhau, vượt lên bao khó khăn của cuộc sống để sinh tồn.
|
Trẻ em Cửa Sứt vui đùa với biển. |
Lối ra từ biển
Vùng đất nào cũng vậy, thuở sơ khai dường như có sự sắp đặt của tạo hóa. Cửa Sứt cũng vậy, tuyệt đẹp và nguyên vẹn nét hoang sơ. Ngày xưa, nơi này là vùng trũng gần biển, nước từ các khu vực rừng núi Vĩnh Hảo, núi Tàu… theo con suối đổ về, dần dà xé động cát nằm dọc theo bờ biển để tạo thành cửa thông ra biển. Có lẽ đó, nơi này có tên Cửa Sứt. Làng biển nhỏ nhắn gắn với nhiều huyền thoại, từng một thời xôn xao với câu chuyện Chiến thuyền quân đội Nhật Bản chìm trên biển, kho báu núi Tàu 4.000 tấn vàng, các giếng vàng nơi chân sóng…
Đứng ở cửa biển, phóng tầm mắt ra xa là cả một không gian thơ mộng, mà ở đó những dãy núi đất, rạng san hô do thiên nhiên tạo thành nhiều hình thù lạ lẫm, đẹp mắt. Khi những tia nắng đầu tiên của buổi sáng sớm len lỏi qua bãi cát mịn màng hay nắng chiều lấp lánh ánh bạc lung linh, mặt biển trông như một tấm thảm khổng lồ đẹp rực rỡ và quyến rũ lạ thường. Tiềm năng ở Cửa Sứt là vậy, nhưng do thăng trầm của lịch sử, phải đến những năm gần đây Cửa Sứt mới thực sự vươn dậy thật ngỡ ngàng. Làm sao không khỏi ngỡ ngàng, khi mỗi ngày, mỗi tháng qua đi là chừng ấy thời gian chính quyền các cấp và mỗi một người dân Cửa Sứt bền bỉ, chắt chiu lao động, dựng xây.
Dẫn chúng tôi dạo quanh làng biển trên con đường bê-tông rộng rãi, trị giá hơn 1 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của ngư dân và doanh nghiệp, Trưởng làng Đoàn Xuân Dũng, 56 tuổi khoát tay nói, sống ở biển, dân chỉ biết hướng mặt ra biển để mưu sinh, tưởng chỉ đủ ăn, nhưng không ngờ biển cho dân làng nhiều thứ. Giờ làng biển chẳng thiếu thứ gì, điện nước đầy đủ, có cơ sở thu mua hải sản, lò chế biến nước mắm, các hàng quán buôn bán tạp hóa, internet… Nghề biển vất vả nhưng biển không phụ công người, ai ra biển cũng kiếm được ít nhất 5 - 7 trăm ngàn đồng mỗi ngày. Sướng nhất là khi vào bờ thương lái chờ sẵn thu mua, ngư dân chỉ cầm “tiền tươi” mà về nhà. Một thời, Cửa Sứt nổi tiếng với cái tên “làng thả đá”, chỉ những cục đá được đục lỗ to như ngón tay kết thành dãy thả xuống biển, làm “cái bẫy” dụ tôm hùm con, vậy mà có người chỉ sau một đêm đã bỏ túi gần chục triệu đồng từ việc bắt tôm hùm giống.
Trong câu chuyện của mình, ông Dũng cho biết quanh năm làng biển luôn đầy ấp niềm vui “lộc biển”, người dân cứ thế “lượm tiền” xây nhà, mua xe... So 10 năm trước, đời sống ngư dân khá dần, hộ nào cũng nhà cửa khang trang, sắm sửa đồ dùng sinh hoạt, xe cộ đắt tiền, có người giờ đã nắm trong tay tiền tỷ. Nói chuyện học hành của con em làng biển, ông Dũng bảo đã một thời, nói đến làng biển là nói đến sự thất học, đông con. Con trai sinh ra cốt để nối nghiệp biển, con gái học hết cấp 2 cùng lắm cấp 3 nghỉ học ở nhà lấy chồng, chuyện học hành không thành vấn đề. Thế nhưng gần đây, việc học ở các làng biển đã đổi khác. Sự thay đổi này bắt đầu từ nhận thức của người dân. Giờ Cửa Sứt đã có điểm trường cho 41 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Nhiều em đã học các trường đại học, cao đẳng, có nghề nghiệp ổn định...
Chúng tôi men theo bờ biển, nơi có nhóm phụ nữ đang cặm cụi với mẻ cá. Chị Nguyễn Thị Hà (45 tuổi), nói chuyện với chúng tôi nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt theo tấm lưới. Người phụ nữ này thức dậy từ rất sớm để lo việc gia đình. 5 giờ sáng lại ra biển cùng chồng giăng lưới đánh bắt hải sản. Đôi tay của chị Hà đã chai sần, tấm áo đã bạc phếch, lấm lem vảy cá. Ở cái làng biển này, phụ nữ cũng lên thuyền ra khơi. Chị đã lớn lên, đã gắn bó hơn nửa đời mình với biển. Biết tôi là khách, cứ “dán mắt” vào những con cá giãy đành đạch, con ghẹ bò lổn ngổn, con mực to óng ánh mi nơ… nên khi hỏi mua, tôi bất ngờ với giá cả phóng khoáng “rặt” kiểu ngư dân ăn to nói lớn.
Ông Dương Cư là một trong những ngư dân có tuổi ở làng chài Cửa Sứt. Lão ngư nổi tiếng ăn sóng nói gió này từng dong thuyền đi khắp các ngư trường trong Nam, ngoài Bắc nhưng cuối cùng vẫn chọn Cửa Sứt để an cư. Năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng ngày ngày ông vẫn đều đặn ra biển. Nghề đánh cá đã gắn bó với ông từ thuở lên 9, lên 10. Hơn 50 năm ra biển, sức vóc của ông đã yếu đi nhiều, nhưng giờ ông vẫn bơi thúng giăng lưới cùng đám thanh niên. Ông bảo, từ bé đã ra biển tập quen dần với nghề đánh cá. Ðến tuổi dậy thì, vỡ giọng, biết nhìn màu nước, đoán thời tiết, biết chỗ nước rộng, nước sâu, tìm được luồng cá thì trở thành lao động chính, là ngư dân thực thụ, từ đó cả đời bám biển.
Cho đến nay, hầu như khắp các làng biển Việt Nam đã không còn nghề đánh bắt cổ xưa mà đã vươn khơi ra tận Hoàng Sa, Trường Sa với phương tiện hiện đại, nhưng làng biển nhỏ bé này vẫn giữ thói quen dong thúng chai giăng lưới, thả câu trước vô biên sóng vỗ dạt dào. Kể về chuyện biển, những ngư dân lại nói về cái nghề đánh bắt mà họ đã một đời gắn bó. Họ bảo, hôm nay công sức bỏ ra được biển bù đắp xứng đáng. Biển Cửa Sứt vốn “giàu có”, chỉ cần bơi thúng cách bờ chừng 40 - 50m là bắt được mực lá, cua ghẹ, tôm hùm, còn nếu lặn thì chừng 5 - 7 sải nước là có sò điệp, nhum biển, ốc nhung, ốc giác… Sống cùng biển, dựa vào biển nên không vì hám cái lợi trước mắt, khai thác kiểu hủy diệt mà tính chuyện sinh kế lâu dài, bởi họ hiểu được giữ biển có nghĩa là giữ được cuộc sống của chính mình, tương lai con em mình.
Mùa tiếp mùa. Năm nối năm. Nhịp sống ở làng chài Cửa Sứt thường bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ. Khi những chiếc thuyền lớn xa xa vẫn sáng đèn, người dân Cửa Sứt đã lục tục kéo nhau dậy sửa soạn thuyền, lưới… để sẵn sàng cho một chuyến ra khơi. Những người đàn ông thân hình rám nắng, vạm vỡ nhoài mình trên sóng biển để đánh bắt cá, còn phụ nữ đội nón lá, đi chân trần cùng chồng giăng lưới, thả câu. Theo nhiều ngư dân, có lẽ khoảnh khắc vui nhất của nghề là khi dong thuyền thả lưới vào những đêm hè trăng thanh, gió mát. Giữa biển mênh mông, sau khi thả lưới, họ ngồi lại, kể cho nhau nghe chuyện đời, chuyện nghề, cả những câu chuyện mang đậm màu thần thoại của biển. Mỗi khi có được mẻ cá đầy, ngư dân lại chọn những con ngon nhất làm mồi nhắm cùng gió, cùng trăng. Có lẽ được trời “thương” cho nên trai tráng ở Cửa Sứt ai cũng mạnh khỏe. Mỗi ngày, dưới ánh nắng mặt trời và trước muôn ngàn con sóng vỗ, nụ cười của những ngư dân dường như trong phút chốc xua tan đi mọi mệt nhọc của gánh nặng mưu sinh. Cứ thế, hình ảnh từng chiếc thuyền thúng lặng lẽ rẽ sóng ra biển đã trở thành quen thuộc của những con người sinh ra và lớn lên ở Cửa Sứt.
Tôi đứng dõi theo ngư dân lặng lẽ trở về nhà sau chuyến biển. Người đi trước, người bước theo sau. Dấu chân họ hằn in trên cát. Ông Cư, chị Hà... cũng như biết bao người con làng biển khác sinh ra và lớn lên tựa như hàng thông trước gió. Dù phong ba, bão táp vẫn thi gan cùng sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Dẫu vậy, đằng sau sự mạnh mẽ đó, trong họ, đó là một tâm hồn sâu sắc, khát khao yêu thương và luôn mưu cầu sự bình yên cuộc sống.
Bút ký: Minh chiến