Sau khi Huyện ủy (khóa
VIII) ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU về chương
trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Hội đồng nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân
huyện, cấp ủy các xã, thị trấn và các chi bộ, đảng bộ cơ sở bám sát chỉ tiêu,
nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết và tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị
để xây dựng các nghị quyết, kế hoạch chuyên đề; tổ chức sinh hoạt quán triệt đến
đảng viên, cán bộ, công chức, Ban chấp hành các đoàn thể, quần chúng cốt cán …
tạo sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm trong việc chấp hành và triển
khai thực hiện nghị quyết của Đảng về chương trình giảm nghèo bền vững. Hàng
năm, trong các kết luận, Nghị quyết của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy về thực
hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng đều
xác định rõ chỉ tiêu giảm nghèo và một số nhiệm vụ trọng tâm liên quan. Hội đồng
nhân dân huyện có chương trình giám sát việc thực hiện Nghị quyết chương trình
giảm nghèo bền vững, giám sát đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã, thôn đặc biệt khó
khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hỗ trợ nhà ở cho người nghèo. Ủy ban
nhân dân huyện tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình
phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm công tác giảm nghèo bền vững, đầu tư kết
cấu hạ tầng phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các
chính sách an sinh xã hội.
Với sự tập trung lãnh đạo,
chỉ đạo và triển khai quyết liệt, về chương
trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Qua 5 năm, hộ nghèo trên địa bàn huyện
giảm từ 2.413 hộ xuống còn 323 hộ, giảm 2.090 hộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,05%
xuống còn 0,86%, tỷ lệ hộ nghèo giảm cả giai đoạn là 6,19%, bình quân hàng năm
giảm 1,24%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Hộ nghèo thuộc diện chính sách có
công năm 2016 có 23 hộ, đến cuối năm 2020 không còn hộ nghèo thuộc diện chính
sách có công. Riêng xã Phan Dũng, hộ
nghèo giảm từ 76 hộ xuống còn 17 hộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 37,62% xuống
còn 7,36%, tỷ lệ hộ nghèo giảm cả giai đoạn là 30,26%, bình quân hàng năm giảm
6,05%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Các cơ sở dạy nghề đã đào tạo nghề cho 658 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận
nghèo (trong đó có 249 lao động thuộc hộ nghèo, 409 lao động thuộc hộ cận
nghèo); giới thiệu và tạo việc làm cho
708 lao động thuộc hộ nghèo, 1.113 lao động thuộc hộ cận nghèo. Đáng ghi nhận là 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của
Nhà nước theo quy định; được tiếp cận tốt các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo
dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Trong đó cho vay 866 hộ nghèo
với tổng kinh phí 24.178 triệu đồng và 1.480 hộ cận nghèo với tổng kinh phí
44.540 triệu đồng; cấp 22.356 thẻ BHYT, hỗ trợ khám chữa bệnh cho 755 lượt người
nghèo/653,8 triệu đồng; miễn, giảm viện phí cho người 1.202 lượt người
nghèo/239,758 triệu đồng; cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 10.467
lượt học sinh, sinh viên/4.613,405 triệu đồng; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo: Hỗ trợ
179 nhà ở/7.153 triệu đồng từ nguồn Quỹ “vì người nghèo” các cấp và nguồn vận động
khác.
Công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến
các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chương trình giảm nghèo bền
vững trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân được đẩy mạnh, nhất
là hộ nghèo, hộ cận nghèo để nắm, hiểu, thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước,
vai trò, trách nhiệm của bản thân, gia đình để phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền
vững, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Khuyến khích và
tạo điều kiện để phát triển mạnh, đa dạng các ngành nghề, dịch vụ tạo thêm việc
làm cho người lao động, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, làm tốt
công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao
năng suất lao động, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.Trong 5
năm, đã tổ chức triển khai 68 mô hình phát triển sản xuất cho 1.272 hộ tham gia
với tổng kinh phí 10.491 triệu đồng; tập huấn
chuyển giao khoa học, kỹ thuật 85 lớp với 3.570 lượt người tham dự. Nhiều mô hình
phát huy hiệu quả và được nhân rộng trong sản xuất như: mô hình xã hội hóa giống
lúa, sản xuất lúa chất lượng; ứng dụng thâm canh lúa cải tiến SRI và nhân giống
lúa chất lượng; cải tạo giống bò, dê; tưới phun tiết kiệm nước trên vùng đất
cát... Đồng thời, tổ chức
đào tạo nghề cho 658 lao động, giải quyết việc làm cho 1.821 lao động thuộc hộ
nghèo, hộ cận nghèo; đảm bảo 100% người nghèo, cận nghèo được thụ hưởng đầy đủ
các chính sách ưu đãi theo quy định, được tiếp cận tốt các dịch vụ xã hội cơ bản
về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Các cấp ủy,
chính quyền, cơ quan, ban ngành, mặt trận, đoàn thể, doanh nghiệp đã huy động mọi
nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững; tiếp tục lồng ghép có hiệu quả các
chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội hàng năm với Chương trình xây dựng
nông thôn mới, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội… để đầu tư phát
triển các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển dân sinh,
kinh tế - xã hội, trong đó đã hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng, xây dựng 179 nhà ở cho hộ
nghèo với tổng kinh phí 7.153 triệu đồng; thực hiện tốt phong trào thi đua “Bình Thuận chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Qua công tác giảm nghèo, huyện cũng
đã rút ra một số kinh nghiệm, đó là phải quyết liệt, xác định các giải pháp cụ thể, sát thực tế tình hình,
điều kiện của huyện và từng xã, thị trấn; chính quyền các cấp phải chỉ đạo, điều
hành tập trung; có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến
xã, thị trấn; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở để tạo sự đồng thuận trong
nhân dân. Tập trung huy động nhiều nguồn lực trong xã hội, quan tâm nguồn lực từ
các chương trình giảm nghèo, lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án
khác; thực hiện đầu tư phải có chiều sâu, có tập trung, có trọng điểm để mang lại
hiệu quả thiết thực...
Trong 5 năm tới (2021-2025), Huyện ủy
tiếp tục ban hành Nghị quyết về giảm nghèo bền vững, với mục tiêu là tập trung
phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần
thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025, thực hiện hoàn thành công tác giảm nghèo bền vững,
hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới; từng bước khắc phục khó khăn do dịch
bệnh Covid-19, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác
giảm nghèo, ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng
cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo, đào
tạo nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống
vật chất và tinh thần cho người nghèo, cận nghèo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch
mức sống giữa các vùng và nhóm dân cư.