NHỮNG BẤT LỢI KHI KHÔNG CÓ ĐIỂM THU MUA THANH LONG TẠI CHỖ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN
04/04/2022
Số liệu từ Cục trồng trọt Việt Nam thống
kê hiện cả nước có khoảng 64.000 ha thanh long với sản lượng 1,4 triệu tấn/
năm. Tại Bình Thuận thanh long được xác định là cây trồng lợi thế, đóng vai trò
quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn địa phương với hơn
30.000 hộ nông dân tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu. Do ảnh hưởng
chung của tình hình dịch bệnh và xuất khẩu nên từ năm 2021 đến nay giá thanh
long giảm sâu, các doanh nghiệp chỉ thu mua cầm chừng.
Tại
Tuy Phong nhà vườn nếu bán được thì cũng ở mức giá 3.500 đồng - 5000 đồng/kg thanh
long ruột đỏ; 500 đồng- 1.000 đồng/kg thanh long ruột trắng có mẫu mã đẹp.
Tuy giá hạ xuống mức rất thấp, nhưng nông dân vẫn cố gắng chăm sóc vườn
thanh long xanh tốt, đảm bảo trái chất lượng với hy vọng giá sẽ đảo chiều. Bà
Nguyễn Thị Hà ở xã Chí Công cho biết hiện gia đình bà đang canh tác
700 trụ thanh long ruột đỏ, với mức vốn đầu tư một lứa gấp nhiều lần so
với thanh long ruột trắng. Trong khi đó, thương lái thu mua với
giá thấp không đủ bù chi phí sản xuất cứ ngày càng tăng cao như hiện nay,
nên nông dân đã khó lại càng khó hơn.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự
nhiều chủ trang trại sản xuất thanh long có qui mô lớn cũng rơi vào hoàn cảnh
bế tắc, thanh long trồng ra không tiêu thụ được phải bù lỗ nhiều cho mỗi lứa,
cứ vậy mà không đủ vốn tái đầu tư. Đối với người trồng thanh long họ
đã quá quen thuộc với việc giá cả lên xuống. Song điều quan tâm nhất của nông
dân trồng thanh long ở Tuy Phong là việc thu mua phụ thuộc nhiều vào thương lái
từ các nơi khác đến, vì hiện nay chưa có điểm thu mua cố định tại chỗ. Từ
chỗ phụ thuộc vào thương lái ngoài địa phương đến thu mua nên giá cả
lúc nào cũng có phần thấp hơn so với nơi khác. Thanh long Tuy Phong trồng trên
đất cát có nhiều nắng, ít mưa, nhưng nhờ chủ động được nguồn nước
tưới, nên ít bị nấm bệnh cho quả ngọt, có màu sắc đẹp, tai xanh cứng, chất
lượng ổn định. Nếu có vựa thu mua đóng gói tại chỗ thì giảm được nhiều chi phí
vận chuyển, nâng cao giá trị sản phẩm hơn so với những nơi khác. Được
biết, trên địa bàn huyện hiện có 2 HTX là HTX thanh long Phong Phú và HTX thanh
long Chí Công, tuy nhiên các HTX đều đang gặp khó khăn về mặt bằng tập kết và
công ty liên kết để thu mua sản phẩm, anh Trần Thanh Sang xã Phong Phú chia
sẻ.
Từ những đồi cát, thửa
đất bạc màu hoang hóa, bà con nông dân Tuy Phong đã mạnh dạn cải tạo đất để
phát triển cây thanh long đặc biệt là cây thanh long ruột đỏ. Tuy diện tích
thanh long của Tuy Phong không bằng ở các địa phương khác trong tỉnh,
nhưng sản lượng không phải là ít, chất lượng cũng không thua kém. Nếu được các
doanh nghiệp, liên kết HTX tổ chức xây dựng điểm, vựa thu mua đóng gói tại đây,
thì chắn hẳn việc tiêu thụ của bà con được thuận lợi, và giá trị sản phẩm
sẽ được nâng cao hơn nhiều tạo động lực cho nông dân gắn bó hơn với trái thanh
long đặc sản.
Hải Thạch