Từ lâu, Thanh Minh đã trở thành
một lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc, thể hiện đạo đức, lòng
thành kính "uống nước nhớ nguồn" in sâu vào tâm trí mỗi người dân xứ Duồng.
Tình
biển, tình người
Tôi đến xã Chí Công nhiều lần, vẫn nghe người ta thường
gọi cái tên xưa là Duồng. Có lẽ xứ Duồng đã gợi lên rất nhiều nổi nhớ, niềm
thương và kỷ niệm không thể nào quên với những người đã sống, từng đặt chân đến
mãnh đất giàu truyền thống văn hóa này. Tôi biết, nhân dân và lực lượng vũ
trang xã Chí Công đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị “Anh hùng lực lượng
vũ trang nhân dân” và xứ Duồng vẫn còn đó những địa danh đi vào lịch sử không
thể nào quên, như chùa Phước An- nơi Bác
Hồ dừng chân trên đường vào Nam; khu tưởng niệm Dốc Hồi Long- nơi ghi dấu trận đánh dũng
cảm của Trung đội tự vệ Chí Công với quân Pháp năm 1946…Địa thế Duồng rất đặc
biệt, có một dãi đất nhô cao như chiến hạm, vươn dài ra biển lớn, tạo ra hai
bên bờ vùng eo biển tuyệt đẹp, lắm cá tôm. Dãi đất này luôn vững vàng trước mọi
bão tố phong ba, giống như người dân xứ Duồng một lòng theo Đảng, kiên cường
trong kháng chiến để bảo vệ quê hương, đất nước. Xứ biển mặn mòi dẫu còn nhiều
gian khó nhưng tình người đôn hậu, mặn ngọt có nhau, dạt dào khát vọng vươn
lên. Một tương lai đàng hoàng hơn, giàu đẹp hơn đang ngày càng được
khẳng định.
Anh Huỳnh Trọng Lan- một thầy giáo và cũng là một
nghệ sỹ nhiếp ảnh gạo cội, gốc Chí Công chở tôi trên chiếc xe gắn máy, dạo
quanh xứ biển. Giữa biển trời tươi đẹp, những nếp nhà nằm quần tụ trên dãi đất
nhô ra biển trong khung cảnh thanh bình. Anh Lan cho biết, xứ Duồng được đất trời ban tặng nhiều sản vật quý giá
mà không phải nơi nào cũng có được, vẻ đẹp xứ Duồng đã đi vào biết bao thơ ca,
nhạc họa, nhiếp ảnh. Dân làng chài rất giỏi chinh phục biển khơi với
nghề lặn, nghề câu, đánh lưới...Những con tàu cỡi sóng trùng dương để bến thuyền luôn đầy ắp sò,
ốc, cá, tôm. Các món đặc sản xứ biển này đã nức tiếng, vang xa. Đến
với xứ Duồng, du khách sẽ mê hoặc với
khung cảnh tuyệt vời của biển, thắng cảnh Gành Son, khám phá nét văn hóa của cư
dân làng biển và thưởng thức những món ăn dân dã độc đáo như mắm ruốc, mực một
nắng, sò…
Nét
quê hương trong lễ hội Thanh Minh
Trong
vô vàn câu chuyện xứ Duồng, anh Lan bảo cứ mỗi khi tháng 3 về, xứ biển lại nô nức
đón lễ hội Thanh Minh- nét văn hóa đặc sắc có tự ngàn xưa truyền lại. Theo anh
Lan, nói đến Thanh Minh là dịp nhắc nhở mọi người nhớ về quê
hương, nguồn cội, bởi phảng phất trong bóng dáng mỗi con người là dấu ấn quê hương
không dễ phai mờ theo năm tháng. Quê hương, nguồn cội chính là tài sản tinh
thần vô giá đối với mỗi con người. Nếu không có điều kiện trở về quê trong dịp
Thanh Minh này, xin hãy hướng về nơi thiêng liêng ấy bởi quê hương đi theo
chúng ta suốt cuộc đời, in đậm dấu ấn trong từng nhân cách.
Chúng tôi đến nhà ông Ngô
Thành Sơn (Năm Co), ở thôn Hà Thủy, người đã làm Trưởng Ban quản lý Miếu Hùng
Vương của làng hơn 28 năm. Ông Sơn năm nay đã 80 tuổi, tinh thần khá minh mẫn,
hoạt bát. Hỏi lệ cúng Thanh Minh của làng có tự bao giờ, ông Sơn kể năm 1940,
cha ruột ông đứng ra bàn bạc, cùng với dân làng lập nên ngôi miếu tại làng Hà
Thủy để làm nơi thờ phụng các vị thần thánh có công khai khẩn đất đai, lập
làng, các vị anh hùng, người có công với nước…Từ khi có ngôi miếu, bà con dân
làng đến cúng viếng lễ lộc, cầu mong sóng êm, biển lặn, ghe thuyền ra khơi vào
bến chở nặng cá tôm. Mỗi thời kỳ có khác nhau, nhưng lệ cúng Thanh Minh vẫn
được duy trì cho đến ngày hôm nay. Sau khi làm
trưởng ban miếu một thời gian thì cha ruột ông mất, vị trí trưởng ban miếu được
truyền lại cho vài người, rồi đến lượt ông tiếp nối. Giờ tuổi cao, ông không
còn đủ sức khỏe để lo liệu việc nghĩa ân của làng nhưng vì là người có uy tín,
am hiểu phong tục nên vẫn được các vị trong ban miếu và bà con mời ông làm “cố
vấn” trong các lễ nghi, cúng kiến của miếu. Theo ông Sơn, thường
Tiết Thanh Minh sẽ diễn
ra vào tháng 3 âm lịch, tức bắt đầu từ ngày mùng 4 hoặc mùng 5/4 cho đến ngày
20 hoặc 24/4 dương lịch. “Tiết Thanh Minh” là tiết thứ 5 trong 24 tiết, mang ý
nghĩa về sự trong xanh, tươi sáng nên phù hợp để thực hiện những nghi lễ quan
trọng. Lễ hội Thanh Minh thường được tổ chức trong 05 ngày bao gồm các hoạt
động Khai Kinh, Thỉnh Sanh, Cúng tế Thần Hoàng, Thỉnh cỗ bánh người dân cúng,
Cúng Đại Lễ, Cúng thí xực xô cổ bánh, Lễ khai Diên hát bội…
Tự
bao đời, ngôi miếu Hùng Vương linh thiêng nằm bên gành biển thôn Hà Thủy đã trở
thành điểm văn hóa tâm linh của cư dân xứ biển. Trước đây, ngôi miếu này có 5 sắc phong thần, nhưng trãi
qua năm tháng hầu hết đã bị mối mọt, hư hỏng không thể phục hồi. Hàng năm, tại
đây có 4 lệ
cúng, đó là Thanh Minh, giỗ tổ Hùng Vương, Trung Thu và Tết ông Công ông Táo. Khác với nhiều nơi, lễ hội Thanh Minh xứ Duồng khá
đặc biệt, trong đó điểm nhấn là màn xô cộ đầy ắp tiếng cười của người dân xứ biển,
tạo
nên một không khí cưc kỳ sôi động và vui tươi. Tháp bánh (còn gọi là cộ) thường được làm từ các loại bánh
tét, bánh chưng, bánh ngọt, nước ngọt và các loại cây trái trên mãnh đất Duồng.
So với trước đây, giờ đời sống vật chất và tinh
thần của hơn 21.000 người dân xứ biển đã có chuyển biến tiến bộ, một
bộ phận cải thiện tốt hơn trước nhờ nghề biển, trồng thanh long, buôn bán. Những
năm qua, xã luôn quan tâm tạo điều kiện để bà con tổ chức các lễ nghi theo
phong tục tập quán, góp phần phát huy sự đoàn kết, nâng cao
đời sống văn hóa tinh thần, hướng đến xây dựng gia đình ấm no,
quê hương văn minh, phát triển. Cứ mỗi dịp Thanh Minh là làng biển
nhộn nhịp bước chân người, “vui như Tết”…Bà con tạm neo thuyền gác lưới, rẫy
vườn để lo việc nghĩa gia đình, già trẻ gái trai nô nức kéo về miếu dự lễ cúng
Thanh Minh. Con cháu xứ Duồng, dù có rời xa quê đi mưu sinh lập nghiệp cũng đều
hướng về quê hương, gia đình. Dịp này, gia đình sum họp, tổ chức ăn uống, phát
phần thưởng khuyến học cho con cháu và nhận mặt họ hàng. Gặp tôi, chị Nguyễn Thị Thủy, 48 tuổi, cho biết sinh
ra và lớn lên ở làng Hà Thủy, nhưng rồi lấy chồng làm ăn sinh sống tận tp.Hồ
Chí Minh. Năm nào Thanh Minh, chị cũng đưa cả gia đình về quê để thắp hương,
tảo mộ cho ông bà và đi lễ Thanh Minh, vì theo chị điều đó thể hiện tấm
lòng tri ân, thành kính và biết ơn chân thành của con, cháu đối với tổ tiên,
ông bà, cha mẹ đã mất, những người đã sinh ra, nuôi dưỡng cho con, cháu trưởng
thành. Đáng nói là ngay từ nhỏ, trẻ con đã được
cha mẹ cho đi theo lên mộ cúng để biết mộ gia tiên, nghe người lớn kể về công
lao của người đã khuất sẽ là cách giáo dục trẻ em về lòng hiếu thảo và tình yêu
gia tộc rất thiết thực.
Ông Phạm Ngọc Hòa, 75 tuổi, Trưởng ban
miếu cho biết từ trước
đến nay, hễ sau Tết Nguyên Đán là tới Thanh Minh. Dù đây
không phải là ngày lễ lớn nhất nhưng lại được bà con làng biển coi trọng, bới
nó gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người, đó là con cháu phải tưởng nhớ
công lao của tổ tiên, đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo
hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp cội nguồn về ơn sinh thành tạo dựng của tổ
tiên, của những người đi trước…Gần đây do dịch bệnh covid-19, miếu vừa thực
hiện đúng chủ trương phòng dịch của chính quyền, vừa giữ gìn lễ nghi tưởng nhớ
công ơn các bậc thánh nhân, tổ tiên, cầu mong biển được mùa, dân làng no đủ…
Nắng chiều dát vàng trên
biển, những con thuyền trĩu nặng cá tôm đang cập bến. Thanh Minh đã về xứ biển…
Với người dân xứ Duồng, Thanh Minh
là dịp người dân cúng tế để tưởng nhớ công ơn các bậc thánh nhân cũng như cầu
cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, biển bội thu tôm
cá.
|
MINH
CHIẾN