Tận
dụng mặt nước biển êm và kín gió, khoảng ba năm nay, một số ngư dân trên địa
bàn huyện đã đẩy mạnh phát triển nghề nuôi thủy sản trên biển với các loại cá
như cá bớp, cá mú, tôm hùm… mô hình này đang phát huy hiệu quả, nhiều chủ lồng
bè có thu nhập khá tốt nhờ nuôi thủy sản, vừa giải quyết việc làm cho một bộ phận
ngư dân lao động biển.
Đây
là năm thứ ba liên tiếp anh Nguyễn Bình Phong Tuấn - Chủ nuôi cá lồng bè khu vực
Gành Rái, xã Chí Công thả nuôi cá bớp trong lồng bè dọc eo biển thuộc vịnh kín
gió khu vực Gành Rái. Năm đầu tiên chỉ một bè với 16 lồng nuôi cá bớp, năm tiếp
theo tăng thêm một bè với 24 lồng nuôi, đồng thời thử nghiệm nuôi cá mú. Hình
thức nuôi cuốn chiếu, cá giống thả nuôi gấp 3 lần so với thu hoạch do hao hụt,
sản lượng đạt 18 tấn mỗi năm, trong đó hơn 80% cá bớp thương phẩm. Thức ăn chủ
yếu của cá bớp và cá mú là các loài cá tạp nhỏ, sau 8 đến 10 tháng nuôi cá bớp
có trọng lượng từ 5 đến 6 ký bán với mức giá 200 ngàn đồng một ký, lợi nhuận
bình quân 200 ngàn đồng mỗi con, nhờ chất lượng thịt cá ngọt, dai và mềm lại có
thị trường tiêu thụ khá tốt cả trong và ngoài tỉnh.
So
với cá bớp thì kỹ thuật nuôi cá mú có phần dễ dàng hơn nhưng thị trường tiêu thụ
không phổ biến và giá cả không ổn định nên chủ lồng bè có xu hướng chọn nuôi cá
bớp vì giá trị kinh tế cao. Tuy Phong hiện có 57 bè nuôi thủy sản trên biển,
trong đó, khu vực Vĩnh Tân 25 bè, Bình Thạnh 21 bè và Phan Rí Cửa 11 bè, chủ yếu
là cá bớp, số ít cá mú và tôm hùm với sản lượng thu hoạch gần 60 tấn mỗi năm.
Hiện nay, một vài ngư dân cũng đã mạnh dạn đầu tư thả nuôi thủy sản trên biển bằng
lồng nhựa chịu lực HDPE (hắt-đê-bê-e) với kinh phí 300 triệu đồng một bè, gấp
ba lần so với lồng gỗ thả nuôi truyền thống, chống chịu khá tốt với thời tiết
sóng to gió lớn. Bờ biển huyện ta có lợi thế nước biển êm, sạch, ít bị ô nhiễm,
thỉnh thoảng nguồn nước tại khu vực biển hở có pha lẫn tảo độc nhưng không ảnh
hưởng nhiều đến nuôi trồng thủy sản trên biển. Thời gian đến nếu được quy hoạch
nuôi thủy sản trên biển, ngư dân được tiếp cận vốn, kỹ thuật và con giống thả
nuôi chất lượng sẽ khai thác phát huy tiềm năng lợi thế mặt nước biển khu vực gần
bờ.
Ông
Lê Văn Boanh -Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tuy Phong cho biết thêm: Bên cạnh
nuôi thủy sản trên biển, một vài ngư dân cũng đã nuôi ốc hương, cá mú, cá chim
vây vàng,.. bằng cách chuyển nước từ biển vào ao lắng lọc để nuôi thủy sản, hiệu
quả kinh tế mang lại khả quan, lợi nhuận đạt từ 300 đến 400 triệu đồng cho mỗi
bè. Không chỉ mang lại thu nhập khá tốt cho các chủ lồng bè mà mô hình này còn
giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động biển, đồng thời thực hiện chủ
trương “giảm khai thác, tăng nuôi trồng” để cân bằng giữa nhu cầu của con người
và giữ gìn tài nguyên biển theo định hướng của Nghị quyết số 36 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 12) về
chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2045. Chính vì thế, hoạt động khai thác kinh tế mới này cần được huyện quan
tâm đầu tư, quy hoạch và có những kế hoạch phát triển hiệu quả và bền vững
trong những giai đoạn tiếp theo.
Hải Thạch