NÔNG DÂN XÃ PHƯỚC THỂ– LINH HOẠT VỚI MÔ HÌNH LÀM DU LỊCH NÔNG NGHIỆP
Thực hiện liên kết trong sản xuất, áp
dụng khoa học công nghệ cũng như chuyển đổi mô hình kinh doanh các sản phẩm lợi
thế tại địa phương. Đó là một trong những định hướng của tỉnh ta trong sản xuất
nông nghiệp thời gian tới.
Đến thăm các vườn nho tại thôn 1, xã
Phước thể, huyện Tuy Phong giờ đây, chúng ta không khỏi bất ngờ bởi cảnh hàng
chục đoàn khách du lịch ghé lại tham quan các vườn nho và mua các sản phẩm từ
nho do người dân tự làm như: Rượu nho, mật nho… với giá thành hợp lý nhưng đúng
chất “nhà” làm.
Hiện nay, tại nơi đây đã hình thành một
chuỗi các điểm đến cho khách tham quan vườn nho. Để tránh tình trạng không có vườn
nho chín để khách tham quan, nông dân nơi đây đã liên kết lại với nhau để luôn
có vườn nho chín cho khách tham quan. Chị Hồ Thị Hường – một du khách Đồng Nai
đến tham quan vườn nho khi trò chuyện với chúng tôi đã không giấu được sự phấn
khích khi tận mắt ngắm nhìn những chùm nho lủng lẳng, được xem người dân trực
tiếp sản xuất và được thưởng thức những sản phẩm từ nho như mật nho đầy chất lượng.
Hiện xã Phước Thể có khoảng 50 hộ dân
sản xuất nho trên diện tích 20 ha tập trung tại Thôn 1. Để giúp người dân thuận
lợi trong sản xuất, năm 2017, UBND xã Phước Thể đã thành lập Hợp tác xã (HTX)
trồng nho Phước Thể, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật, hỗ trợ
người dân sản xuất các giống nho mới. Đến nay nông dân nơi đây đã áp dụng giống
nho xanh với 10 ha và giống nho Hồng Nhật với 4 ha hơn 3 năm nay. Hai giống nho
này tuy khó chăm sóc hơn nho đỏ nhưng mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt
nho tại xã Phước Thể được đánh giá có hình thức đẹp và chất lượng ngang ngửa với
vùng nho nổi tiếng Ninh Thuận. Thời điểm hiện tại UBND xã Phước Thể đã trình
UBND huyện công nhận nho là cây trồng chủ lực tại xã Phước thể để từ đó có
chính sách hỗ trợ người dân trong sản xuất, phát triển.
Du lịch gắn với
thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống nơi thôn dã, làm bạn với nông dân, tìm hiểu
kỹ thuật canh tác nông nghiệp và thưởng thức sản phẩm nông nghiệp là một loại
hình du lịch ngày càng trở nên hấp dẫn. Loại hình du lịch này được gọi với tên dân dã
là du lịch “miệt vườn” hay du lịch nông nghiệp. Đây được xem là hướng đi mới
cho con đường phát triển nông nghiệp thời đại công nghệ 4.0 và được một số tỉnh
lân cận như: Đồng Nai, Lâm Đồng… phát triển rất tốt.
Tại huyện Tuy Phong,
ngoài các điểm đến tham quan vườn nho tại xã Phước Thể, thôn La Bá của xã Phong
Phú người dân cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đó tạo ra các sản
phẩm đặc trưng địa phương được nhiều người đánh giá là chất lượng cao như: Bơ, mít,
sầu riêng. Thời gian qua cũng đã xuất hiện các đoàn khách đến tham quan vườn
mít, sầu riêng tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của
vùng.
Quay trở lại với mô
hình tham quan vườn nho tại xã Phước Thể, ông Nguyễn Văn Thành – Chủ điểm tham
quan vườn nho Tư Thành cho biết dù các điểm đến thu hút được khá nhiều khách
tham quan nhưng người dân cần trang bị những kiến thức căn bản về làm du lịch,
đồng thời chính quyền cũng cần có chính sách hỗ trợ, làm việc với các trung tâm
xúc tiến du lịch, các Công ty Lữ hành tạo ra tour, điểm đến du lịch tại huyện
Tuy Phong gắn với tham quan vườn nho hay vườn táo, vườn sầu riêng để mang lại
hiệu quả cao hơn.
Huyện Tuy Phong được đánh giá là địa
phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với các điểm du lịch tâm linh
như: Chùa Cổ Thạch, Bãi đá bảy màu, Lăng ông Nam Hải…Bên cạnh đó là bờ biển dài
với nhiều loài hải đặc sản cũng là điểm nhấn tại huyện Tuy Phong. Tuy nhiên qua
đánh giá các sản phẩm du lịch tại Tuy Phong còn nghèo nàn, chất lượng du lịch
chưa cao. Do vậy nếu kết hợp phát triển giữa các vùng, kết nối các điểm đến giữa
du lịch tâm linh với du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng đồng thời có những
chính sách hỗ trợ cho người dân doanh nghiệp trong kinh doanh du lịch tin chắc
rằng chất lượng sẽ nâng lên. Ngoài Khu du lịch Bình Thạnh cũng như các điểm đến
quen thuộc, thời gian qua UBND huyện Tuy Phong cũng đã xem xét, tham mưu các cấp
để hình thành tuyến du lịch khám phá cung đường Tà năng - Phan Dũng thuộc xã Phan Dũng.
Phi Hải – Trung tâm VHTT và TTTH