Hỗ trợ giải pháp tổ chức dạy và học trực tuyến, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo, ứng phó với đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, chủ động, kịp thời tổ chức thực hiện đồng bộ công tác phòng, chống dịch, thực hiện có hiệu quả phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn của ngành. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến ngành Giáo dục, Giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh gặp rất nhiều khó khăn cả về đời sống và trong hoạt động học tập, nhất là việc học trực tuyến trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm chương trình, phương pháp, kế hoạch tổ chức dạy và học, hoạt động của trường, lớp và đến sự phát triển của trẻ em, học sinh.

Dự báo dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, để tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình, chất lượng và tiếp tục thực hiện mạnh mẽ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngày 03/9/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19; theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu địa phương đang có dịch và thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Trước mắt, tổ chức dạy học trực tuyến; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới; bảo đảm điều kiện để dạy học trực tuyến, chuyển đổi số trong giáo dục; đổi mới phương thức dạy học giúp trẻ em, học sinh vừa học vừa chơi, hứng thú học tập, chấp hành giãn cách, giảm căng thẳng trong thời gian giãn cách xã hội; ưu tiên bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; có giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh, giáo viên các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa không có khả năng tiếp cận với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình.

Để đảm bảo đáp ứng chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến; vừa qua Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 933/STTTT-BCVT&CNTT ngày 17/9/2021 đề nghị các Doanh nghiệp viễn thông tăng cường đầu tư, nâng cấp, mở rộng hạ tầng băng rộng; băng thông kết nối Internet, tăng vùng phủ sóng 3G, 4G đến các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ trực tuyến; bảo đảm kết nối Internet băng rộng tại các khu vực cách ly tập trung, các cơ sở y tế đang thực hiện cách ly, điều trị để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Có phương án dự phòng cơ động để nhanh chóng bổ sung dung lượng, điểm kết nối Internet cho các khu vực dân cư cách ly, phong tỏa, các cơ sở thu dung; Nghiên cứu, có phương án nâng băng thông đường truyền với mức cước không đổi cho khách hàng sử dụng dịch vụ; đối với các trường hợp khách hàng tại các khu vực cách ly tập trung, các cơ sở y tế đang thực hiện cách ly, điều trị để phòng, chống bệnh COVID-19 chưa kịp thanh toán cước, có phương án tạm thời không thực hiện ngắt kết nối trong vòng 30 ngày; Đẩy mạnh công tác tự đo kiểm, tự giám sát chất lượng dịch vụ truy nhập Internet, kịp thời phát hiện và nhanh chóng khắc phục những vấn đề tồn tại về chất lượng mạng lưới, chất lượng dịch vụ; chủ động tối ưu hóa mạng lưới 2 dịch vụ thông tin di động 3G, 4G tại các xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Nhằm phối hợp triển khai, đảm bảo chất lượng dịch vụ đường truyền Internet tốt nhất hỗ trợ ngành giáo dục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy và học trực tuyến, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo, ứng phó với đại dịch Covid-19.

Qua rà soát thực tế trên địa bàn huyện Tuy Phong, hiện có 02 mạng lưới dịch vụ thông tin di động 3G, 4G (Viettel, Vinaphone) đang thực hiện thu phát sóng thông tin di động trên địa bàn 11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, chất lượng phát sóng tốt, đáp ứng điều kiện dạy và học trực tuyến trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Riêng 02 xã Phong Phú (thôn La Bá), Phan Dũng hệ thống mạng Vinaphone chưa đáp ứng chất lượng phát sóng thông tin di động 3G/4G. Để cung cấp dịch vụ Internet tại khu vực này, sắp đến VNPT Bình Thuận có thể thỏa thuận thuê cáp quang của Viettel, hoặc dùng thiết bị Pasolink NEO chuyển tiếp từ trạm Núi Một để phát 3G, 4G tại trạm BTS La Pá và  trạm BTS Phan Dpũng nhằm đáp ứng các điều kiện dạy và học trực tuyến được tốt hơn.

                                                                                                            *TRIỀU PHAN*

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang