Ký sự: Mùa “canh lửa, giữ rừng”

  Bước vào cao điểm mùa hanh khô, nắng nóng gay gắt kéo dài, rừng Phan Dũng không chỉ nằm ở mức cảnh báo cháy rừng cấp 5 mà còn nguy cơ lâm tặc. Đây cũng là khoảng thời gian mà cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng phải vất vả, lo lắng “canh lửa, giữ rừng” và phải tập trung cao độ nhất để giữ “bình yên cho những cánh rừng”.

 Bám địa bàn…

Tôi trở lại Phan Dũng trong những ngày cuối tháng 3, khi cái nắng vẫn như thiêu như đốt dội xuống đại ngàn Phan Dũng. Tại đây, phần lớn các cánh rừng khu vực bìa rừng đã trơ trọi rụng lá, tạo nên thực bì khô rám dày đặc rất dễ gây hỏa hoạn. Trước tình hình trên, Ban Quản lý rừng Tuy Phong đã tập trung cao độ, chủ động xây dựng, triển khai phương án bảo vệ rừng mùa khô, chuẩn bị chu đáo các phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”, phối hợp cùng Hạt kiểm lâm, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy cho các hộ nhận khoán rừng trồng, bảo vệ rừng và các tổ chức, nhân dân sống gần rừng bằng nhiều hình thức phù hợp thông qua tuyên truyền miệng, các phương tiện thông tin, tờ rơi; rà soát, bổ sung các biển cấm lửa, cấm chặt phá rừng; lập bản cam kết việc chấp hành các quy định về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đối với người dân, cộng đồng dân cư sống ven rừng, trong rừng. Vận động nhân dân nêu cao ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy rừng, sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.

Nắng rát cứ phả vào mặt, công việc vất vả, nhưng nhiệm vụ bảo vệ rừng đã ăn vào máu thịt, đã gắn liền với các chiến sỹ bảo vệ rừng nhiều năm nay. Hạnh phúc, niềm vui của họ chính là hàng ngàn ha rừng tự nhiên vẫn đang bình yên trước những đợt nắng nóng đang quần thảo chưa có dấu hiệu dừng lại. Gặp tôi, Nguyễn Văn Tuấn-Trưởng Trạm bảo vệ rừng số 2, Ban Quản lý rừng Tuy Phong cho biết, Ban Quản lý rừng Tuy Phong có 4 Trạm bảo vệ rừng, trong đó 1 trạm nằm ở khu vực suối Phùm, 2 trạm nằm ngoài chân rừng và 1 trạm nằm giữa rừng và lập nhiều chốt để kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, tăng cường phối hợp xử lý các nguy cơ cháy rừng và hoạt động của lâm tặc.  

Đứng ở chốt bảo vệ rừng Dốc Cạn, tôi nhìn bao quát một vùng rừng rộng lớn đã khô khốc, giồng mình chịu sức nóng của mặt trời. Đưa tay gạt những giọt mồ hôi trên tráng, Tuấn bảo một trong những giải pháp các Trạm bảo vệ rừng thường xuyên triển khai là chủ động áp dụng biện pháp kỹ thuật lâm sinh, giảm vật liệu cháy, xây dựng và duy trì hàng trăm km đường băng cản lửa. Với việc bám rừng, bám dân, lực lượng bảo vệ rừng tuần tra phát hiện và xử lý nghiêm các vụ xâm lấn đất rừng, khai thác lâm sản trái phép ở khu vực rừng giáp ranh. Điều đáng mừng là đồng bào Phan Dũng tự bao đời sống gắn bó với rừng, khi được tuyên truyền sâu kỹ, bà con đã có ý thức rất cao trong việc bảo vệ và phòng chống cháy rừng nên từ đầu mùa khô đến nay chưa xảy ra bất kỳ vụ cháy nào. Theo Tuấn, mùa khô năm nay, anh em đang “căng sức” trước nổi lo “kép”, đó là vừa tập trung, chủ động phương án phòng, chống cháy rừng, vừa phải tăng cường lực lượng tuần rừng, truy quét lâm tặc. Mỗi đợt “ra quân” kéo dài từ 3-5 ngày. Địa bàn đáng lo nhất là khu vực lâm tặc lén lút hoạt động nằm ranh giới Lâm Đồng và Ninh Thuận.  

…giữ rừng

Khi chúng tôi đến chốt bảo vệ rừng Dốc Cạn, đúng lúc các cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý rừng, hộ nhận khoán rừng, kiểm lâm địa bàn tập trung, chuẩn bị cho chuyến đi tuần tra rừng. Đợt “ra quân” lần này kéo dài 5 ngày, hơn 20 cán bộ, nhân viên chia làm 2 tổ, trong đó 1 tổ sẽ cắm chốt và 1 tổ tuần tra. Kiểm tra lại gạo, mắm muối, cá khô, xăng và các trang bị nghiệp vụ trước khi xuất quân, Lê Văn Tự-Tổ trưởng cơ động Ban Quản lý rừng Tuy Phong cho biết, trong 20.000 ha rừng tự nhiên Phan Dũng, chia thành 21 tiểu khu do Ban Quản lý rừng Tuy Phong quản lý, anh em phải cắm chốt và tổ chức liên tục việc kiểm tra. Gần như 24/24 giờ, anh em đều có mặt trong rừng, kịp thời xử lý các nguy cơ cháy rừng, phát hiện lâm tặc xâm hại và tìm kiếm, tháo bỏ các loại bẫy thú của những người săn bắt trái phép…

Ao ước vào rừng “mục sở thị”, Tuấn chở tôi men theo vết đường mòn in hằn đá cụi. Dày dạng kinh nghiệm đi rừng, “tay lái lụa” phi chiếc Honda lên vượt những con dóc, băng qua suối, luồng lách giữa đoạn đường rừng hai bên là tre nứa, cây cổ thụ khép chặt chỉ đủ một luồng xe máy chạy…Đường rừng quá nguy hiểm, những lúc Tuấn vòng vèo sát vực sâu, rồ ga lao lên con dốc cao dựng đứng, tôi như rớt tim ra ngoài…Thấy tôi ôm chặt, Tuấn bảo con đường này là đường chính “dễ đi”, còn đường đi tuần rừng gian nan hơn nhiều, không thể đi xe máy mà phải “cuốc bộ”, cứ vài tiếng đồng hồ mới đi được chục km, vượt qua núi cao, thác sâu mới kinh khủng hơn nữa.

Sau mấy tiếng đồng hồ lắc lư, căng sức vật lộn với đường rừng đầy nguy hiểm, rừng hiện ra với thảm thực vật vô cùng phong phú. Nắm tay tôi, Nguyễn Văn Tuấn nửa đùa nửa thật: “Ưu tiên cho anh đấy. Lẽ ra chúng tôi phải đưa anh đi “phượt” bằng xe máy, nhưng trong rừng không có đường, vả lại “du ngoạn” giữa thâm sơn bằng chuyến “cuốc bộ” đỡ gây tiếng ồn làm ảnh hưởng tới sự cư trú của các loài chim và thú”. Cứ túc tắc dạo cảnh “sơn thủy hữu tình”, anh sẽ “chết mê” với “nàng công chúa rừng xanh” cho mà coi”. Đúng như lời anh Tuấn nói, thật khó mà tìm được có nơi nào bình yên hơn rừng Phan Dũng. Chính sự bình yên đó đã giúp cho tôi dần dần khám phá được sự kỳ bí của thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng. Ấn tượng thứ nhất của chuyến đi tôi cảm nhận được ngay từ lúc còn ngồi trên xe là cái không khí hoang vắng của một cõi núi rừng hùng vĩ. Ấn tượng thứ hai đẹp hơn, đó là lần đầu tiên chính sờ tay vào những cụ lim, gõ, trắc, bằng lăng, dáng hương...to bằng cả mấy người ôm, sừng sững, chọc trời. Quên cả quãng đường mới qua với những mệt nhoài, tôi ào tới hớn ha hớn hở hít sáo gọi lũ chim rừng, hú bầy khỉ đang đùa giỡn trên cây. Lòng vui hơn khi bắt gặp loài phong lan kiêu hãnh phát bông, buông thõng những chuỗi hoa đẹp đến nghẹn ngào... Sức quyến rũ của hoa và sự hùng vĩ của núi rừng khiến tôi mê mẩn. Tôi thầm nghĩ, nếu con người luôn đối đãi tốt với rừng, biết nâng niu gìn giữ, trân trọng vẻ đẹp quyến rũ của rừng thì sẽ có bao nhiêu người khác nữa có được niềm may mắn như tôi, một hôm nào đó, giữa lặng lẽ núi rừng…

                    Dừng nghỉ chân nơi con suối nhỏ, đoàn tuần rừng kiểm tra lại bánh xe mắc xích để tạo độ bám, chuẩn bị vượt dốc chặng đường tiếp theo. Nói chuyện với tôi,  Lê Văn Tự, người có hơn 25 năm “cơm núi, ngủ rừng” cho biết, từ đây anh em phải vượt thêm nữa ngày đường mới tới chốt nằm ở tiểu khu 8 trong rừng tự nhiên Phan Dũng, có độ cao hơn 800m so mực nước biển. Khu vực rừng giáp ranh với Đức Trọng (Lâm Đồng), được xem là “điểm nóng” phá rừng, bởi rừng tiếp giáp với cư dân sinh sống chừng hơn 2 km, chỉ cần nữa giờ đồng hồ là các đối tượng phá rừng đã vào rừng, trong khi đó lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị phải đi ít nhất 1 ngày từ Phan Dũng lên mới có mặt tại nơi này. Địa hình từ đây vào rừng sâu sẽ rất phức tạp, có nhiều hố sâu vực thẳm, nguy cơ rắn độc, vắt rừng…, nhiều chổ cao, buộc ai muốn qua cũng phải vừa leo vừa bò, người ngoài nhìn đã thấy sợ, chẳng dám đi, nhưng ngược lại, với anh em thì không được phép bỏ sót một điểm nào. Thế là khắp mọi ngõ ngách của rừng, ở đâu cũng in dấu chân của những người giữ rừng, thậm chí các anh cũng thuộc như lòng bàn tay nơi ở của con chim, con gà rừng cho đến chốn vui đùa của lũ khỉ…

Gió rừng lao xao, các anh “lính” trẻ có tuổi đời từ 22-30 như Lê Sỹ Tình, Dụng Qua Văn Biên, Kiều Hoàng Miễu, Trần Kim Hòa Minh…nói cười với những câu chuyện tiếu lâm đủ phần mặn nhạt. Tôi nghe những câu chuyện gian truân, sóng gió mà các anh đã trải qua, chuyện gác lại niềm vui sum họp gia đình để lên rừng làm nhiệm vụ, chuyện những bữa ăn vội, thiếu thốn giữa rừng, chuyện những đêm ngủ rừng và cả chuyện đổ máu với lâm tặc…mà rơi nước mắt. trong rừng, cứ sáng là đi, tối đến chổ nào là đóng quân, ngủ chổ đó, ngày mai lại đi tiếp. Các anh từng ngày vẫn đi - về, rồi lại bắt đầu cho một chuyến đi mới, tiếp nối, lặng lẽ và cần mẫn. Đêm cũng như ngày, những hiểm nguy nơi núi thẳm rừng sâu…dường như không thể cản được bước chân và quyết tâm giữ rừng của những con người quả cảm. Dù vất vả, nhưng sau mỗi chuyến đi từ rừng trở về, ai cũng vui vì rừng vẫn mùa xanh nguyên vẹn, mỗi giọt mô hôi của các anh thấm xuống đất tiếp thêm sức cho rừng thêm xanh, khơi nguồn sống mới.  

          Rừng Phan Dũng còn quá hoang sơ để có nhiều người có thể lai vãng nên tôi trở thành kẻ may mắn đến không ngờ. Tôi nhủ mình "về thôi" và hết cười nổi với khó khăn mới đến, đường về hiện ra trước mắt với bao là gian khó, những háo hức đã qua đi. Chia tay với núi rừng nhưng hình ảnh, công việc của những người giữ rừng sẽ không bao giờ tôi quên được. Tôi hiểu rằng chính bằng lòng yêu nghề đã giúp họ gắn bó với rừng, tìm thấy niềm vui trong công việc và đóng góp một phần công sức không nhỏ làm cho những cánh rừng Phan Dũng ngày thêm xanh.

                                                                                                                            MINH CHIẾN

                                        

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang