TUY PHONG ĐẨY MẠNH LẮP ĐẶT THIẾT BỊ GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH TRÊN TÀU CÁ.
Thực hiện việc
khai báo khi tàu cá xuất nhập cảng, nộp nhật kí khai thác hải sản sau mỗi chuyến
biển và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS là 3 nội dung quan trọng trong thực hiện các khuyến
nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp
pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Trong đó việc lắp đặt thiết bị
giám sát hành trình VMS đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở
lên là một nội dung khá quan trọng giúp tăng cường năng lực quản lý nhà nước
trên lĩnh vực khai thác thủy hải sản, hạn chế việc ngư dân xâm phạm vùng biển
nước ngoài…. So với các địa phương khác trong tỉnh, tiến độ lắp đặt thiết bị
giám sát hành trình VMS trên tàu cá có chiều dài 15m trở lên tại
huyện Tuy Phong vẫn còn khá thấp. Hiện Tuy Phong đang tập trung mọi nguồn lực để
hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 15/6 theo tinh
thần chỉ đạo của Tỉnh ủy.
Nguyên nhân chậm tiến
độ lắp đặt
Tính đến 15/5/2020, huyện Tuy Phong có 111/275 tàu cá có chiều
dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS, chiếm đạt tỷ lệ 40,4%. Nếu
so với các địa phương khác trong toàn tỉnh thì tỷ lệ trên là khá thấp. Thực hiện
các văn bản của tỉnh cũng như của huyện về tuân thủ triển khai việc lắp đặt thiết
bị giám sát hành trình VMS tàu cá có chiều dài 15m trở lên được quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lực lượng Biên
phòng, Trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã phối hợp tập trung tuyên truyền về Luật
thủy sản năm 2017, Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực thủy sản. Theo ông Trần Anh Tuấn – Trạm trưởng Trạm bảo vệ nguồn lợi
thủy sản Tuy Phong cho biết: Tàu cá có
chiều dài 15 m trở lên bắt buộc phải đánh bắt vùng khơi không được đánh bắt ở
vùng lộng, vùng bờ. Tuy nhiên do đặc thù ngư trường cộng với thói quen đánh bắt
của ngư dân, đa số các tàu cá có chiều dài 15m trở lên trên địa bàn Tuy Phong
thường xuyên đánh bắt ở vùng lộng ít ra tuyến khơi. Điều này dẫn đến khi lắp đặt
thiết bị giám sát hành trình tàu cá sẽ để lộ vị trí đánh bắt sai phạm với quy định.
Như ngư dân Mai Văn Trí ở thị trấn Phan Rí Cửa, thuyền trưởng của tàu BTH –
99100 TS hành nghề giã cào đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình vào đầu
tháng 4 với giá thành hơn 23 triệu bao gồm phí thuê bao trong 1 năm. Tuy nhiên
do tàu của ông chỉ hành nghề ở vùng lộng nên việc lắp đặt thiết bị giám sát
hành trình theo ngư dân này không thật sự hiệu quả và chi phí quá cao.
Sản
lượng khai thác hải sản của Tuy Phong trong tháng 4 là 3.321 tấn lũy kế 12.437
tấn giảm 0,93% so với cùng kì. Ngư trường thu hẹp cộng với sự suy giảm nghiêm
trọng nguồn lợi hải sản, việc khai thác hải sản ngày một khó khăn khiến cho ngư
dân không mặn mà với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Bên cạnh đó,
theo chúng tôi ghi nhận hiện có khoảng từ 5 – 8 đơn vị cung ứng và lắp đặt thiết
bị giám sát hành trình tàu cá VMS với giá thành giao động 18 – 23 triệu đồng
chưa bao gồm phí thuê bao. Qua thực tế cho thấy đơn vị cung ứng sau thường có
giá thành rẻ hơn các đơn vị trước điều này cũng làm cho ngư dân chần chừ trong
việc lắp đặt.
Với 111/275 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tỷ lệ
chưa đạt một nửa trong khi còn chưa đến 1 tháng nữa việc lắp đặt phải hoàn
thành theo chỉ đạo của Tỉnh ủy. Ngoài công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát
của lực lượng chức năng thì ý thức của người dân vẫn là nhân tố quyết định. Việc
lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá có chiều dài 15m trở lên ngoài thực
hiện thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu EC chống khai thác hải sản bất
hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thì việc lắp đặt thiết bị
giám sát hành trình nhằm thực hiện sự đồng bộ hóa trong quản lý nhà nước, tạo
điều kiện để ngư dân vươn khơi bám biển an toàn, không xâm phạm vùng biển nước
ngoài, nâng cao sản lượng và giá trị đánh bắt cũng như mở rộng thị trường xuất
khẩu đặc biệt là các nước châu Âu đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế cho ngư dân.
Để thực hiện tốt công tác này, mới đây Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU của huyện
đã ban hành Kế hoạch số 95/KH–BCĐ về thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU gắn
với thực hiện sắp xếp tái cơ cấu lại nghề cá trên địa bàn huyện 2020. Với mục
tiêu tạo chuyển
biến về nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội, của cộng đồng ngư dân về
chống khai thác IUU và sắp xếp, tái cơ cấu lại nghề cá trong khai thác hải sản
nhằm xây dựng, phát triển nghề cá có trách nhiệm và bền vững; Ban Chỉ đạo chống
IUU của huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan đề cao công tác phối hợp thực hiện
các giải pháp căn cơ từ tuyên truyền đến tuần tra kiểm soát. Trước mắt là hoàn
thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài 15 trở
lên trước ngày 15/6/2020.
Có thể thấy nâng
cao năng lực của tàu thuyền, chuyển đổi nghề vươn khơi đánh bắt là một trong những
giải pháp tạo bước đột phá trong phát triển bền vững thủy sản hiện nay. Để làm
được việc này thì ngoài sự vào cuộc của Chính quyền, ý thức của người dân cũng
đóng một vai trò hết sức quan trọng. Có như vậy thì đời sống của ngư dân mới
phát triển ổn định đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ nguồn lợi
thủy sản một cách bền vững.
Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực thủy sản có hiệu lực từ 05/7/2019 thì tàu cá có chiều dài từ 15 đến dưới 24m
không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử phạt từ 300 – 500 triệu đồng.
Đối với tàu cá có chiều dài trên 24m mức phạt sẽ là 800 triệu đồng. Bên cạnh đó
các mức phạt đối với hành vi khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài, không
ghi nhật ký khai thác cũng là rất cao.
Phi Hải