Tuy Phong có dân số
35.337 hộ, với 150.117 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số gần 2.000
hộ, với 7.862 nhân khẩu, chiếm 5,24% dân số toàn huyện. Thời gian qua, huyện đã
quan tâm và có nhiều chủ trương, giải pháp tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, quản
lý, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS). Qua thực tế công việc
tại địa phương, đội ngũ cán bộ người DTTS đã khẳng định vai trò nòng cốt, góp
phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật
tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Chú trọng quy hoạch và đào tạo
Ông Nguyễn Bá Ky - Bí thư Đảng ủy xã Phú Lạc
cho biết, với nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật,
theo hướng “vì việc mà tìm người chứ không phải vì người để sắp xếp, bố trí
việc”, Đảng ủy xã Phú Lạc luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh
chính trị vững vàng, có phẩm chất và năng lực, bảo đảm về tiêu chuẩn, cơ cấu,
được đào tạo cơ bản về chuyên môn, lý luận chính trị, đáp ứng tiêu chuẩn chức
danh và lĩnh vực công tác, đồng thời bảo đảm sự phát triển, kế thừa vững chắc
giữa các thế hệ cán bộ. Chính vì vậy, cán bộ xã “gốc” là người địa phương, chất
lượng ngày càng nâng lên, đến nay đã đạt chuẩn theo quy định; có người được
điều động về công tác cấp huyện, một số đồng chí được đưa vào quy hoạch các
chức danh lãnh đạo, quản lý cấp huyện. Nhận thức rõ tầm quan trọng của đội ngũ
trí thức dân tộc thiểu số, Đảng ủy xã Phú Lạc thường xuyên rà soát, đánh giá
thực chất đội ngũ cán bộ và bám sát yêu cầu chính trị để xây dựng kế hoạch, quy
hoạch đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài... Đặc biệt
là chuẩn bị kỹ lưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt cho Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ
2020 - 2025.
Cũng là vùng thuần đồng bào DTTS nhưng so với
Phú Lạc, xã Phan Dũng có dân số là đồng bào Raglay ít hơn và khó khăn hơn về
điều kiện kinh tế - xã hội. Song điều đáng mừng là nếu như trước đây cán bộ xã
còn hạn chế về học vấn, trình độ thì nay cơ bản đã đạt chuẩn về trình độ chuyên
môn, lý luận chính trị theo quy định. Bí thư Đảng ủy xã Phan Dũng - Hoàng Văn
Liên cho biết, sau đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức từng bước có sự chuyển
biến tốt hơn trong lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ở
địa phương, đồng thời, có khả năng vận dụng các chủ trương, đường lối, chính
sách của Ðảng và pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn để thực hiện và tổ chức
điều hành đạt hiệu quả cao, cũng như vận dụng kiến thức đã học được vào quá
trình thực thi công vụ, vào chuyên môn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Ðể có đội ngũ cán bộ DTTS phù hợp, đáp ứng tốt
yêu cầu công việc như hiện nay, hàng năm, Huyện ủy, UBND huyện đã khuyến khích
và đưa nhiều cán bộ, công chức cấp xã đi bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, quản lý
nhà nước, bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế, chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao
chất lượng đội ngũ trí thức DTTS. Hiện các trường học vùng đồng bào dân tộc
thiểu số có 201 giáo viên và nhân viên, trong đó 10 cán bộ quản lý và 100% cán
bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đều đạt chuẩn, trên chuẩn. Ở lĩnh vực y tế,
đội ngũ y, bác sĩ là người dân tộc Chăm có số lượng lớn, có người đang là lãnh
đạo chủ chốt của trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã. Ngoài ra, còn có khá
nhiều cán bộ là người DTTS đang công tác trong các cơ quan công an, tòa án, thi
hành án, viện kiểm sát... của huyện.
Không chỉ đào tạo cán bộ các cơ quan nhà nước
mà những thế hệ nguồn kế cận như học sinh, sinh viên là con em đồng bào DTTS
cũng được thực hiện khá kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định.
Trong những năm qua, huyện đã trợ cấp cho 1.348 lượt học sinh (Raglay) các
trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở ở các xã Phan Dũng, Phong Phú, Vĩnh
Hảo với kinh phí 1,107 tỷ đồng. Công tác cử tuyển dành cho con em dân tộc thiểu
số vào học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề được quan tâm, đã
có 27 em đi học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề tỉnh được hưởng chế độ trợ cấp
theo Quyết định 35/2014, ngày 12/8/2014 của UBND tỉnh; cử tuyển 6 em học sinh
xã Phan Dũng đi học các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp
theo Nghị định 134/2006, ngày 14/11/2006 và Nghị định 49/2015, ngày 15/5/2015
của Chính phủ; tuyển 27 em học sinh vào lớp 10 hưởng học bổng tại Trường Dân
tộc nội trú tỉnh.
Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy và Phòng
Nội vụ huyện, số Huyện ủy viên, đại biểu HĐND huyện, đại biểu HĐND cấp xã là
người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá; cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện,
cấp xã là người dân tộc thiểu số tăng; cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu
số đạt chuẩn theo vị trí việc làm chiếm tỷ lệ trên 85%. Đội ngũ cán bộ lãnh
đạo, chủ chốt các tổ chức trong hệ thống chính trị ở xã bố trí tương đối đủ
theo định biên giao, trong đó cuối năm 2018, có 3 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu
số như Phan Dũng, Phú Lạc, Phong Phú bố trí đủ 32/32 cán bộ chuyên trách, 38/40
công chức và 61/64 người hoạt động không chuyên trách. Hàng năm ở 3 xã đều đạt
hoàn thành nhiệm vụ trở lên, có tổ chức hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ;
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phần lớn đều đạt mức cao
thứ nhất.
Khẳng định vai trò, đội ngũ nòng cốt
Trở lại xã Phú Lạc, nơi có 8.646 nhân khẩu
đồng bào Chăm sinh sống, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự phát triển hết
sức ấn tượng của địa phương từ các công trình dân sinh, kinh tế - xã hội đến
đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trò chuyện với bà con, chúng tôi
được biết, diện mạo quê hương đổi mới, đời sống người dân phát triển hơn phần
lớn nhờ vào sự góp sức của những cán bộ người DTTS ở địa phương, có sự nỗ lực
và đồng thuận của nhân dân. Khi địa phương thực hiện mục tiêu xây dựng nông
thôn mới, cán bộ từ xã đến các thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động các gia
đình, người thân, họ tộc đóng góp tiền, công sức làm đường giao thông nông thôn;
vận động bà con nông dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở
rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình; vận động các
chức sắc, người có uy tín thực hiện tốt hoạt động tự quản tại cộng đồng, nêu
gương học hành của con cháu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… Theo ông Nguyễn
Bá Ky - Bí thư Đảng ủy xã Phú Lạc, trong suy nghĩ, ý thức và quan niệm xã hội
của đồng bào Chăm ở Phú Lạc, việc học tập rất được coi trọng. Điều này thể hiện
trong các hương ước của làng, trong gia phả, gia phong của gia đình, các dòng
tộc. Lâu dần, trải từ đời này đến đời khác, việc học hành đã trở thành nếp nhà,
thành gia phong và hình thành truyền thống hiếu học của nhân dân trong xã.
Chính vì vậy, con em đồng bào Phú Lạc có nhiều người đỗ đạt cao và đóng vai trò
quan trọng trong giới trí thức, giữ các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan hành
chính, tư pháp, giáo dục, y tế của Trung ương, tỉnh, huyện, đồng thời tạo nguồn
cán bộ xã…
Trò chuyện với chúng tôi, Sư cả Thường Xuân
Hữu ở xã Phú Lạc cho biết đồng bào dân tộc bình đẳng trong làm việc và cuộc
sống, con em dân tộc Chăm lo việc học hành, tiếp nối các thế hệ đóng góp xây
dựng quê hương.
Sự đánh giá đúng đắn và quan tâm chỉ đạo sát
sao của cấp ủy, chính quyền huyện đã góp phần thúc đẩy việc củng cố, nâng cao
chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên thực
tế, lực lượng cán bộ là người dân tộc thiểu số địa phương đã có nhiều đóng góp,
tạo dựng niềm tin trong nhân dân về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp
luật của Nhà nước. Nhiều vụ việc bức xúc về đất đai, xây dựng, môi trường và
các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự xã hội… diễn ra trên địa bàn đã được
giải quyết ổn định nhờ vai trò dân vận của những cán bộ là người DTTS. Mối quan
hệ họ hàng, làng xóm, đặc biệt là phương pháp bám sát ở cơ sở đã khiến việc
tiếp xúc và nắm bắt tâm tư của cán bộ người DTTS với bà con thuận lợi hơn, giải
quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã
hội.
Theo ông Nguyễn Thành Siêng - Phó Bí thư
Thường trực Huyện ủy Tuy Phong: “Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức là
người DTTS cơ bản đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, quản lý; tích cực tham gia
xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở
địa phương. Số cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng cơ bản được bố
trí vào các vị trí, chức danh phù hợp, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác”.