TRƯỜNG MẪU GIÁO PHONG PHÚ NỖ LỰC THỰC HIỆN “TĂNG CƯỜNG TIẾNG VIỆT CHO TRẺ DÂN TỘC THIỂU SỐ”.

 

Xã Phong Phú huyện Tuy Phong có 6 điểm trường mẫu giáo phân bố đều ở các thôn, trong đó điểm trường Mẫu giáo Phong Phú tại thôn Tuy Tịnh 2 và thôn 3 nơi có gần 90% đồng bào Chăm và Rắc Lăy sinh sống. Thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, văn bản kế hoạch của tỉnh, của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016 – 2020”, 5 năm qua, Trường Mẫu giáo Phong Phú luôn là điểm sáng trong thực hiện các nhiệm vụ này, được cấp trên đánh giá cao.

Tìm đến Phong Phú khi tiết trời đã vào hạ, chùm phượng hồng trước cổng điểm trường Mẫu giáo Phong Phú tại thôn Tuy Tịnh 2 đã rực nở, đỏ cả một khoảng trời. Bên trong sân trường, các em học sinh của trường đang hăng say tham gia vào trò chơi nhảy sạp. Tiếng nhạc hòa vào tiếng nhịp của sạp, cô và trò cùng nhau thực hiện các điệu nhảy. Không khí hết sức sôi nổi, nhìn gương mặt các em ai nấy đều lấm tấm mồ hôi nhưng hiện lên niềm vui khôn tả. Bên cạnh đó một vài em đang lại đắm mình trong góc thư viện xanh để cùng xem các truyện tranh, thỉnh thoảng lại thầm thì với nhau rồi cùng cười. Đó là quang cảnh thường thấy tại điểm trường này. Ngôi trường với hơn 90% học sinh là các em đồng bào chăm, với phương châm vừa học vừa chơi, tạo ra một môi trường gần gũi, thân thiện và vui vẻ trong hoạt động giáo dục. Chính những điều đó đã giúp cho các em học sinh là trẻ em là đồng bào Chăm tại đây tiếp cận và học tiếng việt rất hiệu quả.

Để các em học sinh đạt hiệu quả cao trong học tập thì cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường phải đảm bảo nhằm mang đến một môi trường giáo dục toàn diện nhất. Trong 5 năm (2016 – 2020),  Trường Mẫu giáo Phong Phú tập trung kêu gọi xã hội hóa, sự đồng hành của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, phụ huynh học sinh trong hỗ trợ từ xây dựng các cơ sở vật chất, các mô hình, dụng cụ học tập đến việc hỗ trợ thực phẩm với số tiền hơn 1 tỷ đồng từ đó tạo cho trẻ cảm giác thân thiện gần gũi, điều kiện tốt nhất để học tập.

Cùng dự một tiết học Tiếng Việt của các em học sinh lớp lá của Điểm trường Mẫu giáo Phong Phú tại thôn Tuy Tịnh 2. Tại đây các em được nghe những bài hát, những câu chuyện cổ tích bằng Tiếng Việt từ đó trả lời các câu hỏi của cô giáo đưa ra. Riêng đối với các em lớp chồi (3 tuổi), việc dạy Tiếng Việt cho các em được cô giáo dạy đọc qua những hình ảnh minh họa sống động trong đời sống thường ngày. Bên cạnh đó góc tăng cường Tiếng Việt, góc văn hóa dân tộc Chăm với những hình ảnh sống động về bản sắc văn hóa dân tộc mình từ đó việc tiếp thu, đọc các từ ngữ bằng Tiếng Việt sẽ dễ dàng hơn. Với hơn 40/63 học sinh thuộc đồng bào dân tộc Chăm việc tiếp cận Tiếng Việt cũng có những khó khăn nhất định. Cô Lưu Thị Ngọc Châu – giáo viên dạy lớp chồi tại điểm trường thôn Tuy Tịnh 2 cho biết khó khăn lớn nhất đối với dạy Tiếng Việt cho các em đó là khi lên lớp các em vẫn quen nói tiếng của dân tộc mình thêm vào đó một số em có tâm lý nhút nhát, thụ động gây khó khăn trong truyền đạt Tiếng Việt đến các em. Tuy  nhiên với sự nỗ lực của các giáo viên, sự đoàn kết nhất trí của đội ngũ nhà trường cùng các bậc phụ huynh, sự linh hoạt trong cách truyền tải nội dung đến các em nên việc tiếp cận Tiếng Việt đối với các em dân tộc thiểu số là đồng bào Chăm rất hiệu quả.

Thôn 3 xã Phong Phú là một thôn với hơn 90% dân số là người dân tộc Rắc Lay đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên điểm trường Mẫu giáo tại thôn rất khang trang, đầy đủ phòng chức năng, hiệu bộ, các trang thiết  bị dạy học. Gần 100% học sinh nơi đây là con em dân tộc Rắc Lay nên việc tăng cường Tiếng Việt cho các em được Ban giám hiệu cũng như từng giáo viên đứng lớp đặc biệt chú trọng. Tiếp cận tiết học của các em học sinh lớp lá nơi đây, lắng nghe các em học sinh đọc rành rọt bài thơ “Cô dạy con” bằng Tiếng Việt với thanh điệu trong âm, rõ ràng, không chỉ chúng tôi mà các bậc phụ huynh đều hết sức vui mừng, phấn khởi.

Sáng tạo trong thiết kế bài giảng, linh hoạt trong cách truyền tải nội dung học tập đến các em. Với tất cả những việc đã làm Trường Mẫu giáo Phong Phú hướng đến sự thân thiện, gần gũi giúp các em học sinh dân tộc tiếp cận với bộ môn tiếng Việt một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó bằng việc bố trí các góc văn hóa với những hình ảnh đặc sắc về chính dân tộc mình cũng giúp các em hiểu và tự hào về bản sắc văn hóa cha anh để lại.. Đều đặn hàng năm nhà trường đều tổ chức các hội thi mang đến sự gắn kết giữa phụ huynh và học sinh như: Hội thi “Cả nhà cùng đá bóng”, Hội thi: “Nay bé đã lớn, giúp bố mẹ nấu ăn”… Chương trình cho phụ huynh trải nghiệm một ngày làm giáo viên tạo sự gắn kết giữa phụ huynh với nhà trường, tạo ra một môi trường giáo dục thân thiện, gần gũi, lấy trẻ làm trung tâm. Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo như cho trẻ đi  tham quan bảo tàng, doanh trại quân đội, trải nghiệm đồng hành cùng nông dân trong sản xuất…. Nhờ đó, các em học sinh của trường đặc biệt là các em học sinh dân tộc thiểu số đều phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Việc tiếp cận tiếng Việt của các em đạt hiệu quả cao tạo tiền đề, kiến thức để các em vững bước trên con đường học vấn.

                                                                                                                                                                          Phi Hải

 

 

 

 

   

 

 

 

     

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang