Bên cạnh công việc chuyên môn, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh
(sinh năm 1995) giáo viên tiếng Anh trường THCS Phong Phú còn khởi nghiệp kinh
doanh với mô hình “táo xanh sấy dẻo” mang thương hiệu SunFarm. Theo chị Ánh,
công việc từ nghề tay trái đã mang lại nguồn thu ổn định thêm cho gia đình.
Xuất thân từ vùng đất
chuyên sản xuất nông nghiệp thôn Tuy Tịnh 1, xã Phong Phú, Táo dây xanh được
xem là một trong những cây trồng thế mạnh và cũng là trái cây đặc sản của địa
phương. Tuy nhiên quanh năm người dân nơi đây phải loay hoay với bài toán tiêu
thụ, có những năm được mùa lại mất giá, được giá lại mất mùa. Đặc biệt là nguồn
táo chín, ít được tiêu thụ, nhà vườn phải bán với giá rất thấp hoặc cho bạn bè,
người thân, có khi phải hái bỏ. Trong khi đó nhiều nơi ở xa không có cơ hội thưởng
thức đặc sản. Chính điều đó đã khiến cô giáo trẻ luôn canh cánh trong lòng và
muốn tìm ra hướng đi mới cho đặc sản quê mình. Ý tưởng làm táo sấy của chị Ánh
bắt đầu từ đây.
Năm
2021, chị Ánh bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình. Chị là người chịu trách
nhiệm chính trong việc thu gom Táo, liên kết giao lưu với khách hàng và đưa sản
phẩm ra thị trường. Các thành viên còn lại của gia đình có trách nhiệm sản xuất
Táo sấy theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng. Những ngày đầu khởi nghiệp,
quy trình làm táo sấy chỉ bằng công thức thủ công truyền thống làm bằng tay,
Táo sau khi thu mua về sẽ rửa sạch nhiều lần với nước, rồi lấy hạt, đem rim và
đem phơi nắng, phải mất khoảng thời gian 5 ngày mới thành phẩm.
Để sản phẩm Táo sấy dẻo
được thị trường biết đến và đón nhận, ban đầu chị Ánh sản xuất ra chỉ để biếu
cho bà con, hàng xóm ăn thử, đánh giá chất lượng, góp ý sau đó chị điều chỉnh
công thức sản xuất. Khi có đầy đủ kinh nghiệm, chị đã mạnh dạn đầu tư máy móc
và sản xuất nhiều hơn cung cấp ra thị trường những sản phẩm táo sấy dẻo an toàn
và đảm bảo chất lượng.
Thời gian đầu, sản
phầm táo sấy cũng gặp không ít khó khăn, đầu ra không có nhưng với sự miệt mài
chị đã tìm kiếm được những mối làm ăn sỉ thông qua trang mạng
Facebook, Zalo; thông qua kênh kết nối của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và huyện, từ
đó sản phẩm của chị đã tìm kiếm được thị trường. Khách hàng hiện nay đa phần là
khách sỉ bán tại các chợ lân cận, Phan Thiết, một số ít bán qua online, đặc biệt
là ở TP.HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu, … cũng tiêu thụ khá mạnh sản phẩm này. Hiện tại,
Táo sấy dẻo của chị Ánh không đủ để cung cấp ra thị trường. Trung bình mỗi
tháng, chị cho ra thị trường khoảng hơn 100kg táo sấy thành phẩm.
Có thời điểm do ảnh
hưởng bởi thời tiết, Táo mất mùa nên nhà chị Ánh không có Táo để duy trì sản xuất,
vài ba bữa mới sấy 1 đợt tầm 10 kg chỉ đủ để bán cho khách hàng lẻ.
Mô hình khởi nghiệp
“Táo xanh sấy dẻo” của chị Ánh bước đầu đã giải quyết một phần đầu ra cho người
nông dân, hạn chế vấn đề thải táo chín ra ngoài môi trường; giải quyết được việc
làm cho các thành viên trong gia đình đem lại nguồn thu nhập ổn định hơn.
Sắp tới, Táo xanh sấy
dẻo SUNFARM sẽ hợp tác với Hợp tác xã dịch
vụ Nông nghiệp Phong Phú, tham gia chương trình OCOP 3 sao. Theo đó thì sản phẩm
Táo sẽ có chất lượng và là sản phẩm tiêu biểu, sẽ là tiềm năng phát triển, lợi
thế cạnh tranh của địa phương, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có chất lượng
cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trong tương lai nếu sản
phẩm táo sấy dẻo được tiến xa hơn nữa, được mọi người biết đến và ủng hộ nhiều
hơn nữa thì chị Ánh sẽ mở rộng quy mô sản xuất, mua thêm máy móc, thiết bị để
tăng công suất và nghiên cứu các hương vị táo sấy mới như vị: táo sấy muối ớt,
mật ong… đến tay người tiêu dùng.
Với mô hình khởi nghiệp
xanh của mình, chị Ánh được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện chọn tham gia Hội thi Phụ
nữ khởi nghiệp do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức và đạt giải giải 3 tại hội
thi này./.
Kim Anh – Trung tâm VHTT-TTTH Tuy Phong