Hồn quê đong đầy trong chiếc rổ tre

Nghề đan lát truyền thống tưởng chừng như đã không còn xuất hiện nữa nơi đô thị. Vậy mà theo thời gian, bằng tình yêu với công việc mang ít nhiều hoài niệm ấy, người dân khu phố Hải Tân 1, thị trấn Phan Rí Cửa vẫn giữ được nghề thủ công đã ra đời hơn thế kỷ, như cố gắng níu giữ chút hồn quê còn lại giữa phố phường nhộn nhịp…

          Những đôi tay tài hoa

          Nắng hào phóng bung đầy trên con đường, hẻm phố Khu phố Hải Tân 1 như tô điểm gam màu trắng trong cho những chiếc rổ tre nho nhỏ xinh xắn vừa mới đan xong. Mùi tre nứa lẫn vào mùi nắng phảng phất trong không gian yên ắng buổi sớm mai, có tiếng cưa kẻo kẹt, tiếng chẻ lạt lóc cóc, tiếng lận vành rổ rạt rào…vang lên từng gốc phố. Chúng tôi ghé vào căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Trần Tỵ bà Huỳnh Thị Dầm 55 tuổi, một gia đình làm nghề đan mây tre truyền thống hơn 50 năm. Nhìn đôi bàn tay bà Dầm thoăn thoắt đưa những lát nan vào khung, vừa uốn vừa đan, chẳng mấy chốc chiếc rổ nhỏ đã thành hình. Nói chuyện nghề, bà Huỳnh Thị Dầm bảo: “Nghề đan nơi này có từ xa xưa. Cứ người đi trước dạy người đi sau mà tồn tại tới bây giờ”. Bà Dầm cho biết, mới 12 tuổi, bà đã biết đan lát phụ gia đình. Rồi khi lập gia đình, vợ chồng bà vẫn chỉ làm mỗi nghề này để nuôi con cái khôn lớn. Nghề nối nghề, cha mẹ truyền dạy con, chị truyền dạy em, cứ thế 10 thành viên trong gia đình bà là con cái, cháu chắt sống bằng nghề đan lát. Mỗi ngày gia đình bà làm được 1.000 cái rổ, thu nhập 1,6 triệu đồng. Khi nhu cầu mua rổ tăng cao, gia đình bà có thể thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.

          Dọc theo con đường Trần Hưng Đạo khá rộng, chúng tôi bắt gặp những chiếc rổ tre vừa đan xong được người dân trải ra phơi nắng ở hai bên đường tựa như những quả cầu trắng tinh khôi. Nghề đan rổ tre làm quanh năm, bất kể nắng mưa gió bão nên ngoài những người chuyên làm nghề thì già trẻ gái trai trong khu phố hễ rảnh rỗi cũng có thể làm kiếm thêm thu nhập. Ở gốc phố này trai tráng thì cưa xẻ lồ ô, chẻ nan lạt, ở gốc phố kia là các chị, các em nhỏ tụm năm tụm bảy đan vỉ, ở chổ nọ là các mẹ, các cụ già cần mẫn vần đường viền miệng, làm quai và nẹp vành…Chúng tôi dừng lại, ngắm nhìn đôi bàn tay tài hoa của anh Nguyễn Văn Sơn, 45 tuổi. Với 1 chiếc rựa trên tay, anh chẻ thoăn thoắt từng ống lồ ô, canh đều cho ra từng thẻ nang nan đều tăm tắp mà không cần bất kỳ sự đo vẽ nào. Anh Sơn cho biết cái nghề “nghèo đan thúng, túng đan mê” này đã theo anh 20 năm rồi, tuy thu nhập không cao nhưng vẫn là nguồn thu lớn nhất để chi tiêu trong gia đình, mỗi tháng anh thu nhập khoảng 5-7 triệu đồng. Vẫn tin tưởng và tiếp tục phát triển nghề, anh Sơn khẳng định, không như cá thu, cá ồ, một số loại như cá cơm, cá nục phải chứa bằng rổ tre mới tươi lâu, mới ngon nên về lâu dài, nghề đan rổ tre vẫn có tương lai, quan trọng là biển có cho nhiều cá tôm hay không.

          Giống như anh Sơn, chị Nguyễn Thị Út, 40 tuổi cũng không thể “dứt” được cái nghề chẳng bao giờ mang lại sự giàu sang cho mình. Biết đan rổ khi mới hơn 10 tuổi, chị gắn bó với nghề đã tròn 30 năm, làm ra không biết bao nhiêu sản phẩm rổ rá từ mây tre. Mấy chục năm qua nghề đan đã giúp chị vượt qua khó khăn, có cuộc sống ổn định. Từ căn nhà lá ọp ẹp, chị dành dụm tiền đan rổ hằng ngày để đến hơn nửa đời người, chị xây được cho mình căn nhà chắc chắn. Đến giớ, chị Út vẫn nhận vật liệu về tự chẻ, tự tay đan rổ từ ngày này qua ngày khác. Chị chia sẻ thêm: “Tôi sống một mình cho nên mỗi ngày kiếm 100 nghìn cũng đủ trang trải. Đan mệt thì nghỉ, khi nào khỏe đan tiếp. Mình không phụ nghề, thì nghề cũng sẽ mang đến cho mình cuộc sống ổn định”.

          Theo các cụ cao niên, nghề đan lát đã tồn tại cả trăm năm, nhưng không ai biết được nghề truyền thống này do ai đem về đây truyền dạy và được hình thành, phát triển thành một nghề mưu sinh từ khi nào. Trước đây làng nghề đan lát có nhiều sản phẩm rất đa dạng như thuyền, thúng chai, giỏ cần xé, bóng mực, bóng cá, giỏ, rổ phục vụ ngư nghiệp và buôn bán; thúng mủng, giần sàng, nong nia phục vụ nông nghiệp; bàn ghế, chổng tre phục vụ sinh hoạt gia đình…giờ chủ yếu là rổ - một loại rổ đan kích cỡ nhỏ như bàn tay dùng để đựng cá hấp như cá nục, cá cơm. Với nghề, từng nan tre, gốc nứa đã trở nên gắn bó với người dân như bạn tri kỷ. Bởi chính tre nứa cũng đã chắp cánh cho sự sinh tồn của làng nghề đan lát khu phố Hải Tân 1 gần một thế kỷ qua. Nguyên liệu để làm rổ là cây tre, nứa, lồ ô. Sử dụng nguyên liệu tưởng như đơn giản nhưng thực ra cũng khó, phải chọn những cây thẳng, không quá già hoặc quá non và thưa đốt để khi đan không bị gãy, dễ dàng trong việc lận vành. Cây già làm thanh chân đáy vĩ, cây vừa làm nan. Đây là một nghề đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo thực sự. Kỹ thuật chẻ nan yêu cầu phải biết lách con dao sao cho độ dày mỏng thật đều, thật phẳng thì sau đan mới đẹp. Để làm ra một sản phẩm được mọi người yêu thích, tin dùng phải qua nhiều công đoạn và mỗi người làm một khâu như cưa lồ ô, chẻ nan, vót nan, đan mê, làm đường léo, đường viền miệng, nghim đáy rổ, làm quai và lận vành...Khó nhất trong các công đoạn chính là lúc lên hông, bẻ miệng, đòi hỏi phải có sự khéo léo của đôi bàn tay chắc khỏe, người có kinh nghiệm thì khi làm xong sản phẩm chắc chắn, bền đẹp, định hình giỏ không bị cong vênh. Nghề nào cũng lắm công phu, đối với nghề đan giỏ tre muốn có sản phẩm đẹp, chất lượng đòi hỏi người theo nghề phải có tính cần mẫn, chịu khó thực hiện tỉ mỉ trong từng công đoạn. Không phải ai cũng giỏi để thực hiện hết các công đoạn bởi có người giỏi công đoạn đan mê, người giỏi công đoạn chẻ nan, có người giỏi ở công đoạn lên hông, bẻ miệng rổ... Tuy nhiên, một người giỏi thì điều cần nhất là phải có năng khiếu, trước khi nói đến đam mê, sự tỉ mỉ, mới có thể làm ra những sản phẩm nhìn có “hồn cốt”. Nghề đan rổ vốn dĩ không khó nên từ già tới trẻ đều làm được, từ ông bà, cha mẹ, từ con trai, con gái cho đến nàng dâu, chàng rể, cháu nội, cháu ngoại đều lành nghề. Những người vốn ít, không có điều kiện thu mua, vận chuyển thì nhận vật liệu làm ăn theo sản phẩm, bình quân cũng có thu nhập 100 - 120 ngàn đồng/ngày/người, phụ thuộc vào từng công đoạn (đan 40 - 80 ngàn đồng/người/ngày; lận vành 100 - 120 ngàn đồng/người/ngày…). Với mức thu nhập này, nhu cầu mua rổ tre luôn ổn định, những người đan rổ hoàn toàn có thể sống được. Mỗi người thực hiện một công đoạn nên công việc phù hợp cho cả người già, người mất sức lao động, người khuyết tật… góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

          Theo bà Nguyễn Thị Trâm- chủ cơ sở vừa sản xuất sản phẩm đan lát, vừa thu mua sản phẩm của các hộ dân làm nhỏ lẻ đưa đi tiêu thụ ở tp.Hồ Chí Minh cho biết, ngoài chuyện vốn liếng, những người làm nghề vẫn lo khâu nguyên liệu cho nghề truyền thống này khi sự phát triển công nghiệp ngày càng mạnh mẽ. Vì đây là nghề phù hợp với những chị em lớn tuổi không thể đi làm công nhân ở các xí nghiệp, làm biển, bán buôn…cho nên dù khó khăn vất vả chị và những người dân khu phố Hải Tân 1 vẫn tìm mọi cách để nghề đan lát tiếp tục sống bền bỉ giữa lòng đô thị.

          Sản phẩm thân thiện môi trường

          Ông Bùi Châu, 70 tuổi, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu phố Hải Tân cho biết, toàn khu phố có 504 hộ với 2.000 nhân khẩu. Phan Rí Cửa là vùng biển, có ngư trường rộng lớn, nhiều tàu thuyền đánh cá, bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề biển và buôn bán, trong đó khá nhiều người theo nghề đan lát. Năm 1975, nghề đan mây tre hưng thịnh nên vài năm sau đó, các hộ làm rổ đã thành lập Tổ hợp tác đan mây tre, chia làm 2 phân xưởng sản xuất. Thời các loại đồ nhựa ra đời, nghề đan mây tre mất chổ đứng trên thị trường, nhiều gia đình đã bỏ hẳn nghề. Thế nhưng “Cái khó ló cái may”, khi nhiều nơi sử dụng rổ tre nhỏ để hấp cá, dùng một lần thì làng nghề đan lát truyền thống lại hồi sinh. “Theo thời gian, truyền thống nghề đan lát cũng phải thay đổi theo, nhưng cái thay đổi này bắt nguồn từ lòng yêu nghề, gắn bó với nghề làm động lực chính để gắn kết những bàn tay và khối óc của cả làng biển trong quá trình tìm ra một hướng đi mới cho sản phẩm đan lát”- ông Châu bộc bạch.

          Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu, vì thế những chiếc rổ tre xinh xắn không những thay thế sản phẩm nhựa đang được ưa chuộng, mà còn là nét văn hóa sinh động của cư dân vùng biển... Năm tháng đi qua, sản phẩm được làm bằng tre nứa vẫn luôn được mọi người yêu thích. Bởi đó là những vật dụng gắn liền với cuộc sống sinh hoạt đời thường và hơn thế nữa những chiếc rổ rá bằng tre vẫn luôn gợi nhớ cho mỗi người về hình ảnh của một thời xa xưa, nơi chốn quê hương thanh bình. Chính những sản phẩm mang dáng dấp của làng quê giản dị nhưng đầy tiện ích, mang ý nghĩa lớn trong cuộc sống thường nhật đã góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống và phát triển làng nghề đan lát Hải Tân ngày một thịnh vượng hơn
MINH CHIẾN, HUYỆN ỦY TUY PHONG
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang