Thông tin cần biết về bệnh dại

 

Bệnh dại do Virus dại lây truyền bệnh từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Trước khi chết, con vật bị bệnh thường chuyển sang thời kỳ bại liệt.

         Biểu hiện của bệnh dại trên người: Thời gian ủ bệnh ở người thường từ 2 - 8 tuần, có thể kéo dài đến trên 1 năm. Thời gian này phụ thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và số lượng virus được truyền sang người. Người bị mắc bệnh dại cũng có 2 thể bệnh lâm sàng là: thể hung dữ và thể liệt, cụ thể:

-Thể hung dữ: Thường biểu hiện triệu chứng gào thét, tăng cảm giác của các giác quan, sợ gió, sợ nước nên thường được gọi là bệnh sợ nước, bị hoang tưởng, đập phá, co thắt thanh quản...

-Thể liệt: bệnh nhân thường nằm im lìm, hay có liệt hướng lên, liệt hô hấp. Tất cả các bệnh nhân lên cơn dại đều bị tử vong.

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết đã ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhi tử vong sau khi bị chó nhà nuôi cào. Điều đáng nói là trước khi cô bé phát bệnh, gia đình vẫn không hề hay biết con mình dương tính với virus dại.

Bệnh nhân là bé gái 8 tuổi trú ở Khu phố 6, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Theo thông tin từ bác sĩ Đinh Thế Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết, bệnh nhi tử vong vào ngày 14/7/2020, sau khi được xác định là dương tính với virus dại.

Trước đó 3 tháng, cô bé bị chó nhà nuôi cào trầy xước 2 tay. Tuy nhiên, do nghĩ chó nhà nuôi an toàn nên gia đình bé gái không cho con đi tiêm ngừa dại.

Ngày 12/7/2020 vừa qua, bé gái có biểu hiện đau cơ và ngay ngày hôm sau bắt đầu có cơn co giật, tỏ ra sợ nước, sợ gió. Gia đình đã nhanh chóng đưa con tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận để khám. 

Bệnh nhi sau đó tiếp tục được chuyển tới Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM vào ngày 14/7/2020 để điều trị, tuy nhiên bệnh tình của cháu bé đã không thể cứu chữa. Gia đình sau đó đã tự nguyện đưa con về nhà và bé gái tử vong vào tối 14/7/2020.

Cũng theo chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Thuận thì anh trai của bệnh nhi nói trên cũng đã bị con chó nhà nuôi cào, tuy nhiên tới nay chưa có bất cứ biểu hiện hay triệu chứng bất thường nào xuất hiện. Gia đình đã đưa bé đi tiêm phòng để đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra.

Về con chó đã cào 2 anh em bệnh nhi, gia đình cho biết nó đã không còn do tai nạn xe cộ. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Thuận sau khi tiếp nhận thông tin về trường hợp của bé gái đã khẩn trương tiến hành điều tra dịch tễ tại khu vực nơi gia đình bệnh nhân sinh sống. Bên cạnh đó, các cán bộ y tế cũng làm công tác vận động mọi người nếu bị chó cào hoặc cắn cần khẩn trương đi tiêm ngừa dại để hạn chế trường hợp đáng tiếc xảy ra.

 

Những việc cần làm

         Xử trí khi bị chó, mèo dại cắn, cào: Người bị chó, mèo cắn cần phải xử lý ngay vết thương bằng cách rửa thật sạch với nước xà phòng, sát khuẩn vết thương bằng cồn iod để chống bội nhiễm và giảm đến mức tối đa số lượng virus dại xâm nhập vào người, và đến trung tâm y tế dự phòng gần nhất để được bác sĩ tư vấn về liệu trình điều trị dự phòng, tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.

Đối với chó nuôi có đăng k‎ý đã được tiêm phòng dại hàng năm, cần theo dõi con vật trong vòng 14 ngày.

Đối với chó, mèo không tiêm phòng dại, khi nghi mắc bệnh dại mà đã cắn, cào người thì phải nhốt theo dõi trong 90 ngày; trong trường hợp chưa cắn, cào người thì phải tiêu hủy.

Trách nhiệm của hộ gia đình có nuôi chó mèo:

 

Để phòng ngừa bệnh dại hiệu quả, mọi người, mọi gia đình phải chấp hành, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của cơ quan thú y khi có nuôi chó, mèo; phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y theo quy định; không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh. Nuôi trong nhà, không thả chạy rong, đảm bảo vệ sinh môi trường không ảnh hưởng tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị, ra đường phố phải có người dẫn và có rọ mõm.

         Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. 

2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

- Đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. 

Chó, mèo là vật nuôi quen thuộc, là "thú cưng" đối với rất nhiều gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không được tiêm phòng dịch và không được chăm sóc đúng cách, chúng sẽ dễ trở thành ‘thú dữ", gây hại cho sức khỏe của người nuôi.

Ngoài bệnh dại, chó và mèo còn truyền nhiều căn bệnh khác, trong đó có không ít bệnh nguy hiểm, khó chữa.

Những gia đình có trẻ em nên tạm dừng nuôi chó, mèo, vì con trẻ thường hay lê la, đưa vào miệng những vật dụng trên nền nhà. Tuyệt đối không cho trẻ ôm hôn chó mèo, nhất là phần đuôi của chó mèo, vì đuôi và lông dính rất nhiều chất thải. Đặc biệt là không cho trẻ nhỏ chọc phá, trêu ghẹo chó, mèo lạ, nhất là chó, mèo chạy rong ngoài đường.

 

                                                       N.V. Đức – UBND thị trấn Liên Hương

Nguồn: Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang