Tuy Phong là huyện nằm trong vùng
nhiệt đới khô hạn, đặc trưng khí hậu, thời tiết rất phức tạp; lượng mưa rất ít
phân bố không đồng đều qua các năm, tập trung chủ yếu vào các tháng 7 đến
tháng 11 hàng năm, phổ biến: 600 - 800mm, số ngày mưa từ: 75 - 85 ngày; chính vì thế
nó ảnh hưởng lớn đối với việc sản xuất các loại cây trồng cần sử dụng lượng
nước nhiều. Tuy nhiên với đặc điểm trên lại chính là ưu thế cho việc phát triển
các loại cây trồng chịu hạn như cây Táo.
Hệ thống thuỷ
lợi: Hiện nay trên địa bàn huyện các hệ thống tưới tiêu phần lớn đã tương đối
hoàn thiện: Hệ thống đập Phan Dũng; hệ thống đập Hồ Lòng Sông, hồ Đá Bạc và đặc
biệt là hệ thống kênh tưới đã bê tông hóa trên 90%.
Cây Táo được
coi là vua của các loại quả vùng khô hạn, bởi vì sự thích nghi rộng. Nó được trồng
ở những nơi khô hạn và các khu vực bán hoang dã. Đa dạng hóa cây trồng thông
qua các loại cây trồng ở vùng khô hạn như táo để đảm bảo một phần sản xuất
trong thời gian hạn hán của năm khi cây trồng truyền thống thất bại. Cây Táo như
một loại cây ăn quả đa năng có tác dụng như chắn gió, chống xói mòn đất và dịch
chuyển cát và làm nguồn thức ăn, gỗ và nhiên liệu (Anbu và ctv., 2019).
Cây Táo ta thuộc họ Rhamnaccae,
tên khoa học Ziziphus mauritiana
Lamk, có đặc điểm là cây nhỏ, cành thỏng xuống, quả lúc non tròn, có nhiều
lông, sau nhẵn, màu xám, có gai nhọn đơn thẳng hay gai cắp đôi ngắn và cong. Lá
hình bầu dục, trái xoan, trứng, tròn, màu xanh đậm và nhẵn ở mặt trên, có lông
dày, mềm, màu trắng bạc ở mặt dưới, mép khía răng, ba gân gốc nỗi rõ ở mặt dưới.
Hoa tập trung thành xim (chùm) ở nách lá, năm đài hình tam giác, nhọn, nhẵn ở mặt
trong, có lông ở mặt lưng. Tràng hoa có năm cánh hình bầu dục rộng, mép cong
vào trong, rất lõm, màu trắng nhạt, có móng hẹp, đĩa mật có năm thùy. Bầu 2 ô ẩn
sâu trong đĩa mật, chỉ lộ một ít ở đỉnh, vòi chia đôi, 2 ô mỗi ô có một noãn.
Hoa nở từ tháng 6 đến tháng 10. Vì hoa ra liên tục trong thời gian dài nên số
lượng hoa rất nhiều. Trong từng chùm, các hoa nở liên tiếp cho đến khi hoa có đậu,
số lượng hoa/chùm lên tới 50 – 55 cái. Quả hạch hình cầu, vỏ nhẵn.
- Cây Táo được trồng nhiều ở huyện Tuy
Phong bởi vì; là loại cây dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện thời
tiết, khí hậu, điều kiện kinh tế của người sản xuất. Cây Táo sinh trưởng, phát triển và
cho năng suất cao trên các loại đất khác nhau: đất thịt, đất cát và đất phù
sa….Quả Táo chín rất giàu giá trị
dinh dưỡng và có giá trị dược liệu, như đường, axit, Protein và rất giàu Vitamin
C và một lượng Vitamin B Complex rất cao (Kuliev và Guseinnova, 1974). Táo có
hàm lượng vitamin C cao hơn xoài, hàm lượng protein, khoáng chất, phốt pho và sắt
cao hơn cam (Siddiqui S. và R. K. Sharma, 2012).
Theo Vidrih và ctv., (2019) quả chín Ziziphus jujuba chứa 42,25% nước và 44,0% chất rắn hòa tan. Quả khô
chứa glucose 36,5,0%, 33,4% fructose, 0,22% sucrose, 83,8 mg/100 g axit ascobic
và 39,4 mg/100 g dehydroascorbic axit. Vỏ quả chứa 1,1% protein, 0,73% tổng
phenol, 1,7% tro, 12,4% chất xơ không hòa tan và 6,7% chất xơ hòa tan. Hạt táo
chứa 2,5% tổng lượng chất béo.
- Qua kết quả nghiên cứu, cho thấy
năng suất của cây Táo phụ thuộc rất lớn vào việc quy trình kỹ thuật trồng, chăm
sóc và phòng trừ sâu bệnh. Kết quả này giúp cho nông dân trồng táo phải chú ý
đến việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng” đó là:
Đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng đặc biệt là đúng mùa vụ để
nâng cao năng suất.
- Năm 2011,
diện tích cây Táo trên địa bàn
huyện Tuy Phong khoảng
3 ha nhưng đến nay diện tích trồng Táo đã tăng lên gần 128 ha. Qua thực tế sản
xuất cây Táo trong những
năm qua đã chứng tỏ được ưu thế so với những loại cây trồng khác. Với những đặc
điểm về khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng như trên việc xác định từng bước đưa cây Táo vào trong cơ
cấu sản xuất trên địa bàn huyện là phù hợp
và có khả năng phát triển mạnh
và bền vững trong những năm kế tiếp.
* Với những đặc điểm nêu trên, để
sản xuất cây Táo an toàn, phát triển và bền vững, cần tổ chức thực hiện tốt các
biện pháp sau đây:
- Quy hoạch lại vùng trồng táo tập
trung ở các địa phương có quy mô phù hợp với điều kiện về đất đai, hệ
thống tưới tiêu hợp lý. Đầu tư các khu sản xuất tập trung mới có điều kiện áp
dụng khoa học kỹ thuật mới vào canh tác, điều tiết được thời gian cắt cành, bố
trí trái vụ sẽ thu được giá cao, thời gian thu hoạch theo yêu cầu của thị
trường.
- Triển khai áp dụng kỹ thuật mới
vào nghề trồng táo từ khâu làm đất, chọn giống, ghép cành, trồng, chăm sóc,
tưới tiết kiệm, làm nhà lưới, hệ thống tự động hóa trong quá trình tưới nước
kết hợp với bón phân và thu hoạch. Người nông dân phải quan tâm nhiều hơn về
chất lượng quả táo thể hiện trên các mặt: về độ lớn của quả, giòn, độ ngọt
thanh, màu sắc và độ bóng của quả táo.
- Tuân thủ quy trình trồng táo theo
hướng an toàn (GAP), không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong danh mục
bị cấm; sử dụng các thuốc BVTV thông thường, ưu tiên sử dụng thuốc BVTV) có
nguồn gốc sinh học và phải bảo đảm được thời gian cách ly theo khuyến cáo của
nhà sản xuất.
- Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và
chuyển giao công nghệ nông nghiệp vào hoạt động sản xuất như sử dụng phân bón
hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, áp dụng các mô hình canh tác
GAP, quản lý dịch hại tổng hợp IPM (Integrated Pests Management), quản lý
cây trồng tổng hợp ICM (Integrated Crop Management).
- Xúc tiến nhanh việc xây dựng nhãn
hiệu sản phẩm OCOP táo Tuy Phong – Bình
Thuận, xây dựng website sản phẩm về táo để giới thiệu đến người
tiêu dùng trong và ngoài nước. Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, xúc tiến
thương mại nhằm giới thiệu sản phẩm táo đến với người tiêu dùng. Xây dựng
hệ thống phân phối phù hợp, chú ý đến các thị trường tiềm năng là các siêu thị,
nhà hàng, chợ trái cây đầu mối và từng bước vươn tới xuất khẩu ra các thị
trường nước ngoài.
- Cần mở các lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu
bệnh hại trên cây táo theo hướng GAP, cách sử dụng thuốc BVTV, sản xuất cây Táo chất lượng
cao, kỹ thuật trồng Táo
giống mới.
- Phát triển các dịch vụ hỗ trợ khác như cung cấp
cây giống, phân bón, thuốc BVTV. Từng bước liên kết các hộ trồng táo riêng
lẻ lại với nhau theo mô hình Tổ nghề nghiệp, Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã để
hạn chế những yếu kém về thiếu thông tin đầu vào, đầu ra, giá cả thị trường,
thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật trồng táo an toàn, phòng trừ sâu bệnh nhất là
ruồi đục trái, sâu đục trái hiện đang gây thiệt hại rất lớn cho người trồng
táo. Hàng năm để nâng cao trình độ kỹ thuật của những nông dân trồng táo.
Ngoài việc
đóng gói bao bì, tiêu thụ quả tươi, cần hỗ trợ, tư vấn các doanh nghiệp xây
dựng cơ sở chế biến sau thu hoạch để đa dạng về như: mứt Táo, nước ép, Táo sấy khô, rượu Táo và giảm thất thoát sau thu hoạch.
Để
tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích canh tác; nâng cao sản lượng, chất lượng sản
phẩm, giá trị kinh tế cho các hộ nông dân trồng cây Táo rất cần sự chung sức của
các sở, ban, ngành, đoàn thể nhằm xây dựng thương hiệu Táo Tuy Phong.
LÂM BÍCH
VIÊN – Trung tâm KT- DVNN