Những kết quả 10 năm về an toàn thực phẩm

 

Sau khi tiếp thu tinh thần Chỉ thị số 08-CT/TW, sau đó là Kết luận số 11-KL/TW, ngày 19/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW và Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 06/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo triển khai nghiêm túc trong các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban ngành. Theo đó, UBND huyện đã triển khai Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo ATTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới; Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 09/5/2016 về việc “Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP”; Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 13/ 4/ 2020 “Tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới”, thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP và phân công nhiệm vụ từng thành viên theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tham gia. Hàng năm, cấp ủy các xã, thị trấn đưa các tiêu chí về ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng kế hoạch triển khai kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh ATTP.

Trong 10 năm, các cấp, các ngành từ huyện đến xã, thị trấn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các kiến thức, quy định pháp luật về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm với nhiều nội dung, đa dạng về hình thức, mở rộng tuyên truyền tới đối tượng vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao hơn nữa nhận thức, tạo sự chuyển biến trong hành động của cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các doanh nghiệp, các hộ cá thể sản xuất, kinh doanh và người dân trong việc sản xuất, sử dụng và kinh doanh thực phẩm, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới.

Hàng năm, UBND huyện đều duy trì tổ chức Lễ phát động và triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” theo chủ đề từng năm đảm bảo thiết thực, hiệu quả; đồng thời thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban Chỉ đạo Liên ngành vệ sinh ATTP của huyện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác ATTP trong các đợt cao điểm “Tết Nguyên đán”, “Tết Trung thu”, các kỳ nghỉ lễ… Trong 10 năm, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 3.982 lượt tại các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó cơ sở đạt tiêu chuẩn chiếm 87,7%; cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 1.058 cơ sở. Thông qua công tác kiểm tra, tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn... của các ngành liên quan đã yêu cầu các tổ chức và cá nhân chấp hành nghiêm việc bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh. Điều đáng mừng là đạo đức kinh doanh và ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, cá nhân đã có những thay đổi tích cực thể hiện rõ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, từng bước nâng cao tính an toàn, đảm bảo hợp vệ sinh. Nhận thức của người dân trong sử dụng thực phẩm cũng được nâng lên rõ nét, ưu tiên sử dụng những thực phẩm rõ xuất xứ, có xu hướng lựa chọn sử dụng những loại thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Oganic. Từ đó, từng bước thay đổi hành vi, tập quán sản xuất, kinh doanh, thói quan sinh hoạt ăn uống không phù hợp, thiếu lành mạnh.

Các ngành, địa phương đã triển khai tích cực các biện pháp, giải pháp về an toàn thực phẩm, trong đó tiến hành khảo sát, chọn vị trí để đầu tư xây dựng khu giết mổ tập trung. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục theo dõi mô hình liên kết (ở thị trấn Liên Hương) giữa ngư dân làm các nghề khai thác mực với doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thương phẩm, mang lại lợi ích hài hòa giữa ngư dân và doanh nghiệp; tiếp tục duy trì thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trái nho (Hợp tác xã Phước Thể), tiêu thụ lúa (Hợp tác xã Vĩnh Hảo). Trên địa bàn huyện, đã hình thành mới 02 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực (lúa thương phẩm tạiPhú Lạc và thanh long tại xã Chí Công, xã Phong Phú). Huyện cũng đã tạo điều kiện cho 02 doanh nghiệp xây dựng và đưa vào hoạt động 04 điểm kinh doanh thực phẩm sạch (01 Siêu thị Co.op Mark ở thị trấn Phan Rí Cửa; 03 Cửa hàng Bách hóa xanh ở thị trấn Liên Hương, xã Phước Thể và xã Vĩnh Tân). Ủy ban MTTQVN huyện, các đoàn thể đã triển khai thực hiện công tác bảo đảm ATTP tại cộng đồng dân cư lồng ghép vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Gia đình 5 không, 3 sạch”, trong đó Hội Nông dân huyện phối hợp triển khai các chương trình, dự án, xây dựng mô hình sản xuất an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ; tổ chức các hoạt động về bảo vệ môi trường nông thôn, sử dụng nước sạch, xây dựng hầm Bioga sử lý chất thải chăn nuôi; khuyến cáo nông dân không sử dụng nước thải, phân tươi trong trồng rau và nên áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là nuôi nhốt, thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc, an toàn trong chăn nuôi; vận động, tập hợp nông dân ký cam kết thực hiện 03 không: “Không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục”; “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, thành lập các tổ kinh tế “Sản xuất rau an toàn”,“sản xuất lúa an toàn”, “sản xuất nho theo hướng an toàn sinh học”…

Nhìn chung, trong 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), các cấp ủy, chính quyền đã thể hiện rõ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hàng năm; các phòng, ban ngành liên quan có sự chủ động trong công tác tham mưu và sự phối hợp đồng bộ trong công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra các nội dung về đảm bảo ATTP, góp phần nâng cao hiệu lực tổ chức quản lý Nhà nước về ATTP. Duy trì tốt công tác kiểm tra liên ngành; kết quả kiểm tra ATTP những năm qua cho thấy đa số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống cơ bản chấp hành tốt các quy định về ATTP. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát hết thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, các loại hình thức ăn đường phố, hình thức online…còn rất nhiều khó khăn; một số người dân còn chủ quan, hạn chế về kiến thức nên vẫn còn trường hợp sử dụng thực phẩm chứa độc tố tự nhiên gây chết người (cá nóc, các loại ốc lạ…)

Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, ban ngành, mặt trận, đoàn thể tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác triển khai thực hiện ATTP, nâng cao ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán và người dân về thực phẩm an toàn, nhất là kiến thức của người sử dụng nhận biết thực phẩm bẩn để tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Mặt khác, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATTP, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; chú trọng công tác phòng, chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm, kiểm soát các bếp ăn tập thể, quản lý tốt các loại hình thức ăn đường phố; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các cơ sở vi phạm, các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để nhân dân biết, phòng tránh.

         

                                                                            MINH CHIẾN

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang