BÀI DỰ THI PHÓNG SỰ-BÚT KÝ ​ Làng Chăm lên Tháp

 

Lễ hội Pô Dam (người Chăm thường gọi là Pô Tằm) của đồng bào Chăm xã Phú Lạc được tổ chức 3 năm một lần tại nhóm đền tháp Chăm Pô Dam, hội tụ tất cả những tinh hoa, giá trị thẩm mỹ cao nhất của nền văn hóa Chăm.

Xóm làng vui tươi…

Mỗi khi lễ hội Pô Dam về, nắng vàng mênh mang trải khắp ruộng đồng, điểm tô màu tươi mới cho tháp Pô Dam huyền bí trên ngọn đồi Kađak/Ka-đá (còn gọi là núi Ông Xiêm). Làng Chăm thanh bình luôn đầy ắp tiếng cười và tình người đôn hậu, rộn ràng nhộn nhịp vào mùa lễ hội Pô Dam.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Lạc Nguyễn Bá Ky cho biết, đồng bào Chăm giờ đây đã đổi mới cách nghĩ, cách làm ăn hiệu quả bằng việc khai thác tốt lợi thế đất đai và thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại nguồn thu nhập khấm khá nên mỗi khi tổ chức lễ hội thì không khí làng xóm càng tăng thêm vui tươi, phấn khởi. Hiện tại, số nhà xây kiên cố, to đẹp tại làng Chăm ngày càng nhiều; thế hệ trẻ người Chăm được học hành thành đạt, nhiều người là cán bộ, doanh nhân, bác sĩ, kỹ sư, giáo viên…đang làm việc khắp nơi, góp phần phục vụ tốt cho xã hội cũng luôn hướng về ngày hội của làng. Dạo trên những con đường bê tông láng bóng, rộng rãi và sạch sẽ được xây dựng bằng sự chung sức của Nhà nước và nhân dân, ông Nguyễn Bá Ky bảo, thực hiện nếp sống văn hóa văn minh, bà con trong làng tổ chức các lễ hội với tinh thần tiết kiệm, phù hợp nhưng vẫn thể hiện tính tôn nghiêm, thành kính của phần lễ, tính sôi động, hào hứng của phần hội của lễ hội truyền thống. 

Vào mùa lễ hội Pô Dam, khắp làng Chăm thật rộn ràng chuẩn bị các lễ vật cho ngày lên Tháp. Người lớn tuổi thì hướng dẫn cho lớp trẻ cách chế biến các loại bánh truyền thống thơm ngon, s thanh niên nam nữ khéo tay vui tươi sắp đặt hoa quả, các em nhỏ hớn hở, ríu rít bên mẹ…Mâm lễ suy tôn “Thần Thủy lợi” có đầy đủ các loại bánh gừng, bánh tét, bánh ít, xôi...được làm bằng từ gạo, nếp, trứng gà qua các đôi tay chế biến tinh xảo, khéo léo của các bà, các cô. Bà Lữ Thị Kim Thu cho biết, mỗi dịp lễ là dân làng chuẩn bị tươm tất các sản vật ngon được làm ra từ chính ruộng vườn của làng để dâng cúng thần linh. Mọi người rất phấn khởi vì giữ gìn được phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc, cộng đồng hòa thuận đoàn kết, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế. Điều thấy rất rõ là mỗi khi đến kỳ lễ hội Pô Dam là làng Chăm Phú Lạc lại khoát lên mình chiếc áo mới của sự no ấm, thanh bình. Dù còn khó khăn nhưng đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào đã ngày càng cải thiện hơn nhờ các chương trình phát triển dân sinh, kinh tế xã hội của Nhà nước, nhất là đầu tư về hệ thống thủy lợi, đường giao thông, điện nước, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa thể thao…

Sư cả Bích Văn Nhuận (64 tuổi) ở thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc vui vẻ cho biết, trước đây lễ hội Pô Dam tổ chức thường xuyên hàng năm, thời gian khoảng vài thập niên gần đây do điều kiện kinh tế khó khăn và thực hiện chủ trương tiết kiệm nên cộng đồng đã khấn xin phép Pô Tằm 3 năm tổ chức lễ hội một lần. Lễ hội Pô Dam theo quan niệm của người Chăm là lễ cầu an (Yôr yang), cầu cho quốc thái dân an, nước nhà hưng thịnh, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, dân làng ấm no và hạnh phúc, đồng thời ghi nhớ công ơn của tổ tiên và các vị thần thánh. Sư cả Nhuận kể, theo sử liệu dân gian Chăm, Pô Dam tức là PôKathit sinh năm 1387, là con của vua Parachanh và là em của Pô Sah Inư. Pô Dam có 2 người con trai là PôKaBrah và PôKaBih. PôKaBrah có đền thờ tại thôn Vĩnh Hanh xã Phú Lạc, còn PôKaBih có đền thờ tại ruộng Cây Táo, thôn Lạc Trị xã Phú Lạc. Pô Dam lên ngôi vua vào năm Bính Dần 1446 tại Bal Bat Thinưng (Khánh Hoà), thoái vị vào năm 1472 Nhâm Thìn. Khi Ngài mất đã được nhân dân tôn thành thần với tên hiệu Pô Dam, xây dựng tháp để suy tôn. Nhóm tháp Pô Dam có 6 tháp, trong đó có 3 tháp bị sụp đổ, nhưng Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều kinh phí để trùng tu, bảo tồn lại nguyên trạng 4 tháp, tạo điều kiện để đồng bào Chăm phát huy giá trị văn hóa lịch sử của cha ông.

Từ làng Chăm lên Tháp Pô Dam băng qua cánh đồng lúa, những vườn cây xanh ngát và con sông Lòng Sông hiền hòa. Cảnh sơn thủy hữu tình không chỉ làm mê đắm bao lữ khách mà còn là vùng đất trù phú tốt tươi, bao đời đem lại cơm no áo ấm cho người dân. Dưới chân Tháp cổ, các vị chức sắc Chăm thay mặt cộng đồng bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên đã độ trì cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi gia đình được no cơm, ấm áo; cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm chăm lo đời sống đồng bào ngày càng khấm khá, diện mạo làng Chăm đổi thay tươi đẹp hơn.

Lễ hội Pô Dam huy động tất cả các hệ phái chức sắc, diễn ra chính thức 2 ngày 1 đêm với nhiều nghi thức mang đậm dấu ấn Bàlamôn giáo như: nghi lễ rước y trang, tống ôn, tắm tượng các vị thần, mặc trang phục, cầu an, đại lễ, đốt lửa thiêng, thả bè...Buổi sáng ngày chính thức lên tháp là lễ rước y trang của Pô Tằm và các sắc phong do các vua triều Nguyễn phong tặng. Ðoàn rước có đầy đủ các vị chức sắc trong làng, đi đầu là Sư cả của đạo Paseh và các chức sắc ôn Paseh, Kadhar, ôn Mưdôn, ôn Kainh và 9 thanh niên, thiếu nữ Chăm trong trang phục truyền thống khiêng Kiệu, lộng và đoàn múa quạt xếp thành hai hàng đường lên chân tháp thể hiện những vũ điệu quạt Chăm đặc sắc, hòa quyện với âm thanh hân hoan réo rắt của tiếng kèn saranai là tiếng trống ghi năng bập bùng rộn rã. Buổi chiều, các vị sư cả thực hiện các nghi lễ tẩy trần chung quanh khu vực tháp; tắm rửa và mặc y trang cho tượng thần. Tiếp đến là lễ múa mừng (Rijà Haray) dưới sự chủ trì của thầy Vỗ hòa cùng tiếng trống ginăng, tiếng kèn saranai như báo hiệu cho bà con trong vùng biết để đến dự lễ cầu an, cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật. Ngày hôm sau là lễ tạ ơn các vị thần, thánh và vị vua Pô Tằm được tổ chức vào buổi trưa; lễ đóng cửa tháp với các nghi thức truyền thống của người Chăm...Ngoài các nghi lễ truyền thống, lễ hội còn có các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian (nhảy bao bố, đập nồi, đội nước, kéo co…) tạo nên bức tranh đầy sắc màu của một nền văn hóa Chăm thật độc đáo.

Chị Nguyễn Thị Sương (40 tuổi), du khách t.p Hồ Chí Minh chia sẽ: “Mỗi khi có lễ hội Pô Dam là tôi và bạn bè về đây dự. Tôi rất thích được khám phá, tìm hiểu văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm”. Theo chị Sương, lễ hội Pô Dam không chỉ là niềm vui riêng của bà con dân tộc Chăm mà còn là một trong những ngày hội lớn của các dân tộc anh em Kinh, Raglai và du khách gần xa. Bởi đây là dịp để đồng bào Chăm giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt của mình đến với du khách thông qua các hình thức diễn xướng dân gian như dân ca, dân vũ; trình diễn nhạc cụ truyền thống trống Paranưng, Ginăng, kèn Saranai, trang phục thổ cẩm và các trò chơi, trò diễn mang đậm sắc thái văn hóa Chăm. Đặc biệt, vũ điệu múa quạt của các thiếu nữ Chăm đã thể hiện tình yêu, khát vọng làng Chăm, “hút hồn” bao du khách trên tháp cổ huyền bí.

…muôn nhà no ấm, hạnh phúc

Người Chăm theo tôn giáo Bàlamôn ở xã Phú Lạc còn có nhiều lễ hội, nghi lễ gắn với sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán như: lễ Rijà Nưgar (lễ Múa đầu năm, tức là mừng năm mới về, đồng thời tống khứ cái xấu xa năm cũ qua đi); lễ Pakap Halau Kroong (lễ Chặn đầu nguồn nước, khi thấy nước nguồn về quá nhiều gây lũ lụt thì tổ chức lễ ngăn bớt nước mưa lại); lễ Palao Sah Di Pabah Lămngư (lễ Cầu mưa tại cửa biển, có nghĩa là khi thấy hạn hán quá thì tổ chức lễ cầu mưa tại cửa biển), lễ hội Katê, lễ hội PôDam…hội tụ những giá trị tinh hoa văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm.

Nếu như lễ hội Katê là tưởng nhớ các dương thần thì lễ hội Pô Dam sẽ là cầu an cho mưa thuận gió hòa, là tấm gương phản chiếu sinh hoạt của cộng đồng người Chăm, bởi trong thời khắc diễn ra lễ hội, mọi người như cảm nhận được sự hội tụ tất cả những tinh hoa, giá trị thẩm mỹ cao nhất của nền văn hóa Chăm để cùng hòa với nền văn hóa của các dân tộc anh em, góp phần làm cho “vườn hoa văn hóa” của đại gia đình các dân tộc Việt Nam thêm phong phú.

Sư cả Thường Xuân Hữu (75 tuổi), Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn tỉnh Bình Thuận cho biết, lễ hội Pô Dam là thời khắc để người dân đề đạt những ước muốn, ý nguyện lên các đấng thần linh, là chỗ dựa tinh thần để họ vươn lên trong cuộc sống với tâm niệm rằng các đấng thần linh sẽ luôn bên mình để phù trợ cho mọi công việc được thành công. Trong những ngày vui đón lễ hội, đồng bào Chăm dành thời gian đi thăm hỏi, chúc nhau mọi sự tốt lành. Đây cũng là dịp để mọi người hóa giải những hiềm khích mâu thuẩn, hướng tới đời sống dung hòa, đong đầy tình yêu thương tình làng nghĩa xóm, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống, lao động sản xuất và chung tay xây dựng quê hương ngày càng thêm giàu đẹp.

 

Nhóm đền tháp Chăm Pô Dam có niên đại nửa cuối thế kỷ VIII – đầu thế kỷ IX, thuộc phong cách kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai. Tháp chính thờ bộ sinh khí Linga-Yoni bằng chất liệu đá xanh đen nguyên khối. Hiện những dòng tộc là hậu duệ của vua còn lưu giữ 8 sắc phong do các vua triều Nguyễn từ Minh Mạng đến Khải Ðịnh phong tặng. Tháp Pô Dam được Nhà nước xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1996.

 

                                                                                                                                                                          MINH CHIẾN

                                                                                                          
 

 

 

 

 

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang