NHỮNG ĐỊA CHỈ ĐỎ

 

            Trên mảnh đất Tuy Phong, mỗi địa danh, di tích đều gắn liền với những sự kiện, quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó thực sự trở thành những “địa chỉ đỏ”, không chỉ thể hiện sự tri ân với thế hệ đi trước mà còn giáo dục truyền thống cách mạng, góp phần tô điểm, làm sáng thêm truyền thống yêu nước của mỗi người dân Tuy Phong.

          Hiểu lịch sử để yêu quê hương, đất nước hơn

          Chúng tôi tìm về địa chỉ đỏ xã Bình Thạnh để sống lại những ký ức hào hùng của lịch sử. Ông Nguyễn Phú Đức, 88 tuổi, ở xã Bình Thạnh cho biết, những địa danh như Chùa Phật học, Cát Bay, Chùa Cổ Thạch, Đền tưởng niệm đồng chí Lê Duẩn…không chỉ là những chứng tích lịch sử của một thời bom đạn mà còn được tự hào là những “địa chỉ đỏ” minh chứng cho các phong trào yêu nước, truyền thống cách mạng. Nhiều di tích lịch sử văn hóa đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo người dân, du khách trong nước và khách quốc tế.

          Đến thăm Đền tưởng niệm đồng chí Lê Duẩn, nơi mà khi trên đường vào Nam hoạt động tháng 10-1947, có ở lại Bình Thạnh giúp chỉ đạo phong trào cách mạng, ông Nguyễn Phú Đức bảo, căn hầm xưa kia được đào ngay dưới chân chính điện, cửa tròn và chỉ đủ cho một người chui xuống, còn bên trên là bếp lửa nấu ăn. Địa lý tuy hiểm yếu song chính lòng dân Bình Thạnh mới chính là “căn hầm” vững chắc nhất che chở cho cách mạng. Lần giở những trang tài liệu lịch sử, ông Nguyễn Phú Đức bảo xã Bình Thạnh đã chịu quá nhiều đau thương mất mát trong kháng chiến mà đỉnh điểm là trận càn của một tiểu đoàn lính lê dương Pháp vào cuối năm Đinh Hợi 1947 đã tàn sát 121 dân thường, đẫm máu nhất là 65 người già, phụ nữ, trẻ em bị địch dồn ép giết chết tại Chùa Phật học. 4 năm sau đó, vào đúng ngày rằm tháng Giêng năm 1951, một trung đoàn lính Âu- Phi thực hiện cuộc hành quân mang tên Sang et feu (máu và lửa) tại làng Cát Bay đã thảm sát 311 dân thường vô tội, đốt cháy 200 nóc nhà, giết hàng trăm trâu bò…

            Dọc theo bờ biển xinh đẹp, ngôi chùa Phước An nằm trên đất Duồng xưa (nay xã Chí Công) là “nơi Bác Hồ dừng chân” thứ 2 ở Bình Thuận trên đường vào nam tìm đường cứu nước. Là vùng đất ven biển nổi tiếng với nghề làm muối ăn và câu mực bằng thuyền thúng. Vào những năm đầu thế kỷ XX, Duồng còn được nhiều nơi biết đến vì có những đoàn ghe bầu dong buồm rẽ sóng vượt trùng dương vào tận các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mang nước mắm, sản vật biển vào buôn bán, đổi lấy lụa Mỹ A, tủ thờ Gò Công…Tại nơi này, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã gặp nhà yêu nước Trương Gia Mô và được cụ Trương Gia Mô đưa vào Phan Thiết giới thiệu với cụ Hồ Tá Bang để vào dạy học tại Trường Dục Thanh. Trải qua bao biến đổi thăng trầm, nhưng dường như ngôi chùa cổ, cây khế năm xưa vẫn còn đó hình bóng của Người. Cũng đau thương như ở Bình Thạnh, tấm Bia Căm thù ở Phan Rí Cửa ghi lại nơi giặc Pháp đã tàn sát hơn 300 người, hàng trăm người bị thương, trên 300 ngôi nhà bị thiêu hủy vào ngày 12/1/1947. Cách đó không xa là Miếu Quốc Tổ Hùng Vương, địa chỉ đỏ trên vùng đất Phan Rí Cửa hơn 300 năm tuổi. Đã thành thông lệ, cứ vào mỗi dịp giỗ tổ Hùng Vương đều hiện diện những dòng người nối dài vào thắp hương, thành kính về cội nguồn dân tộc. Đây cũng là địa chỉ được quan tâm hàng đầu của du khách trong và ngoài nước khi đến với thị trấn Phan Rí Cửa.

          Khắp các vùng đất Tuy Phong còn ghi dấu rất nhiều di tích, văn hóa lịch sử quý giá, những cột mốc lịch sử quan trọng qua các thời kỳ cách mạng gắn liền với  giá trị tinh hoa văn hóa đất và người Tuy Phong. Nếu như vùng ven biển phải chịu nhiều mất mát thì ngược lên miền núi non Phong Phú, Phan Dũng, nơi căn cứ kháng chiến của dân, quân Tuy Phong trong thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng phải “căng mình” lãnh đạo phong trào cách mạng, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại mùa Xuân năm 1975, thống nhất trọn vẹn đất nước.

          Trong câu chuyện của mình, ông Nguyễn Phú Đức- người đã trực tiếp biên soạn rất nhiều sử sách cho Tuy Phong vẫn kể về tấm lòng trung nghĩa của nhân dân Tuy Phong với cách mạng, ông bảo ai cũng tự hào được sinh ra và lớn lên trên vùng quê giàu truyền thống cách mạng, hiểu về lịch sử của dân tộc không phải để thâm thù mà là để yêu quê hương, đất nước hơn, nỗ lực hết mình vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no, xứng đáng với truyền thống hào hùng của quê hương.

          Để ngọn lửa cách mạng luôn tỏa sáng

          Nhận thức được vị thế, những giá trị to lớn, giàu tính nhân văn của các di tích lịch sử văn hóa và cách mạng, Đảng bộ huyện Tuy Phong đã có nhiều tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của hệ thống các di tích lịch sử văn hóa nói chung, di tích cách mạng kháng chiến nói riêng. Cùng với việc ban hành các nghị quyết, kế hoạch và chỉ đạo tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, Tuy Phong đã đầu tư ngân sách thỏa đáng cho việc chống xuống cấp, bảo tồn, tôn tạo di tích, đa dạng hóa các hoạt động, nhất là gắn kết với du lịch tìm hiểu về lịch sử văn hóa để phát huy tối đa hiệu quả các giá trị di tích.

          Xác định giáo dục truyền thống lịch sử là một trong những nội dung có tầm quan trọng đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tình hình mới, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ huyện Tuy Phong đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới và tăng cường công tác giáo dục truyền thống cách mạng bằng nhiều hình thức nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, chống lại những biểu hiện lệch lạc, suy thoái về tư tưởng văn hóa, nhất là thế hệ trẻ.

          Ông Đặng Thanh Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Tuy Phong cho biết với việc thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo trên địa bàn huyện Tuy Phong, các cấp ủy đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, tập trung hơn vào giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương Tuy Phong. Theo ông Đặng Thanh Đức, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tích cực tham mưu cho Huyện ủy chỉ đạo việc sưu tầm, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ các địa phương, đưa nhiều bài viết về lịch sử, truyền thống cách mạng, gương người tốt việc tốt vào cuốn thông tin nội bộ của Phòng Văn hóa và Thông tin hay các chương trình của phát thanh, truyền hình, thông tin lưu động huyện nhằm tiếp tục được giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng trong các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, Chi hội Văn học Nghệ thuật Tuy Phong đã tích cực sáng tác và xuất bản ấn phẩm văn nghệ hàng năm với nhiều bài thơ, bài viết, hình ảnh đặc sắc, giới thiệu quảng bá về đất và người Tuy Phong.

          Với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của các cấp chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng có môi trường, điều kiện tốt hơn để tìm hiểu về lịch sử cách mạng, từ đó nỗ lực rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật. Thông qua việc giáo dục, rèn luyện lý tưởng, đạo đức cách mạng đã giúp cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xác định mục tiêu, lý tưởng; năng động, có ý chí lập thân, lập nghiệp, không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, tích cực đấu tranh với những biểu hiện sai trái, thiếu lành mạnh trong xã hội, góp phần quan trọng xây dựng và bảo vệ quê hương Tuy Phong ngày càng giàu đẹp.

          Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng anh hùng, trong công cuộc đổi mới, nguồn sức mạnh của những dấu son lịch sử như điểm tựa để nhân dân Tuy Phong chung sức, đồng lòng viết lên những trang sử mới.

 

                                                                                                                                                          MINH CHIẾN

                          

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang