PHÒNG GIAO DỊCH NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI HUYỆN TUY PHONG ĐI ĐẦU TRONG THỰC HIỆN GIẢM NGHÈO, AN SINH XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN.

 

Gần 20 năm hình thành và phát triển, một ngân hàng hoạt động không vì lợi nhuận, một ngân hàng được thành lập vì người nghèo. Hàng triệu người dân trên khắp cả nước được hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất. Kinh tế đi lên, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc. Đó là Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam. Tại Tuy Phong, những năm qua hàng ngàn người dân nghèo, khó khăn đã được hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp giúp phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Hàng năm Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Tuy Phong đều thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra về triển khai vốn vay, thu nợ…. Kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên đang công tác tại đây.

Tuy Phong là một huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Thuận, khí hậu quanh năm khắc nghiệt nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, vì vậy đời sống của nhân dân luôn gặp nhiều khó khăn. Thống kê cho thấy số hộ nghèo  đa chiều giai đoạn 2016-2020 là 1.873 hộ (t lệ 5,43%), hộ cận nghèo 2.119 hộ (t lệ 6,14%). Triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện, Phòng giao dịch NHCSXH  huyện Tuy Phong đã thực hiện đạt được kết quả tích cực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo qua từng năm.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ trong công cuộc xây dựng đất nước, hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp, đặc biệt là sự năng động, nhiệt tình trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tuy Phong, nên hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Tuy Phong đã có sự chuyển biến rõ rệt và tích cực góp phần cùng với địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Có 11/11 điểm giao dịch được thành lập tại các xã, việc tập huấn chuyên đề, các chương trình cho vay được Phòng giao dịch thực hiện đều đặn và thường xuyên từ đó giúp người dân dễ dàng hơn trong vay vốn sản xuất kinh tế.

Tính đến ngày 31/5/2020, tổng nguồn vốn 13 chương trình cho vay đạt 317.500 triệu đồng, trong đó nguồn vốn của Ngân sách huyện ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn là 4.274 triệu đồng tăng 3.174 triệu đồng. Dư nợ đạt 317.145 triệu đồng, tăng hơn 99 tỷ đồng so với năm 2015. Tỷ lệ thu lãi hàng năm đạt từ 100% trở lên, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Qua triển khai, thực hiệc các chương trình cho vay nhiều đối tượng lao động nghèo, thu nhập thấp được tiếp cận vốn vay từ đó phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Đơn cử như Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên thực hiện theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay hàng ngàn đối tượng học sinh, sinh viên khó khăn trên địa bàn huyện được vay vốn từ đó học hành thành tài, ra trường có việc làm ổn định. Hay chương trình cho vay nhà ở, xã hội dành cho người có thu nhập thấp xây dựng nhà ở, an cư lạc nghiệp thực hiện theo nghị định 100/2015/NĐ-CP của chính phủ được Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội triển khai từ năm 2018. Đến nay đã thực hiện giải ngân cho 6 trường hợp với số tiền 2 tỷ 100 triệu đồng/ 4 tỷ cấp trên giao đạt chỉ tiêu đề ra.

Để thực hiện tốt chính sách, các chương trình cho vay, hàng quý Ban đại diện NHCSXH  huyện Tuy Phong đều họp đánh giá kết quả các chương trình cho vay, xây dựng kế hoạch, bổ sung, triển khai các nguồn vốn vay đúng quy trình, đúng đối tượng. Bên cạnh đó Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tuy Phong phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể ủy thác trực tiếp triển khai các chính sách mới đến các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn. Tổ chức giải ngân trực tiếp các nguồn vốn vay tại điểm giao dịch các xã, thị trấn đồng thời định kỳ các nhân viên của phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện Tuy Phong sẽ đi kiểm tra, giám sát việc sản xuất kinh doanh của các hộ đã thực hiện vốn vay phát triển sản xuất.

Theo chân anh Lư Ánh Minh  - Tổ trưởng Tổ kế hoạch nghiệp vụ - Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tuy Phong đến thăm hộ chị Nguyễn Thị Thu Thủy – khu phố Minh Tân 2 – thị trấn Phan Rí Cửa là 1 trong 13 hộ nghèo, cận nghèo được nâng mức cho vay theo Quyết định số 12/QĐ– HĐQT của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam triển khai từ 01/3/2019. Nhờ số tiền 70 triệu đồng, chị Thủy đã mạnh dạn tiến hành tái tạo đất, thả hơn 5 vạn con tôm sú kết hợp hơn 2000 con cua gạch trên 2 hồ nuôi rộng gần 6000m2 của gia đình. Đến nay, tôm và cua của gia đình chị phát triển khá tốt tạo thu nhập ổn định, giúp gia đình dần ổn định cuộc sống. Tại đây anh Minh đại diện cho Phòng giao dịch NHCSXH  huyện Tuy Phong đã trao đổi, hướng dẫn gia đình về thời gian, phương thức đóng tiền lãi cũng như gửi tiết kiệm cho Chị Thủy nắm bắt.

Đánh giá về Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tuy Phong, chị Nguyễn Thị Thu Thủy – Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khu phố Song Thanh 1 – thị trấn Phan Rí Cửa cho biết số thành viên và dư nợ trong tổ tăng đều qua từng năm. Nhờ có nguồn vốn của Phòng giao dịch NHCSXH huyện, các gia đình trên địa bàn có vốn để làm ăn sản xuất từ đó hạn chế đi việc vay lãi suất cao.

Chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2015 – 2019, tính đến ngày 31/12/2019, toàn địa bàn huyện có gần 6000 lượt hộ gia đình được vay vốn với số tiền gần 149 tỷ đồng. Tìm đến địa bàn xã Phong Phú, những vườn nho, vườn táo xanh tươi sai trĩu quả cho thu nhập cả chục triệu đồng mỗi tháng, người dân ai nấy cũng phấn khởi. gia đình Ông Nguyễn Chiến ở Thôn 2 là một ví dụ. Ngay khi được vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo, gia đình ông đã đầu tư 85 gốc táo trên diện tích khoảng 2000 m2. Đến nay vườn táo 20 tháng tuổi sai trĩu quả đã cho gia đình ông thu nhập gần chục triệu đồng mỗi tháng từ đó kinh tế đi lên, đời sống gia đình dần khấm khá hơn trước.

Nhờ làm tốt công tác triển khai các chương trình tín dụng cho hộ nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần qua từng năm. Đến cuối năm 2019, số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 612 hộ giảm 1261 hộ so với cuối năm 2015; Bên cạnh đó chương trình cho vay cho học sinh, sinh viên; chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng đạt và vượt chỉ tiêu đề ra từ đó giúp các em học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên, các hộ gia đình có điều kiện xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh góp phần xây dựng các bộ tiêu chí nông thôn mới của từng địa phương. Có thể thấy Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tuy Phong là chỗ dựa vững chắc cho người nghèo, trong đó các thành viên của Phòng giao dịch vẫn hàng ngày, hàng giờ làm tốt công tác của mình, đảm bảo không để các đối tượng khó khăn bị bỏ lại phía sau, đảm bảo phát triển sản xuất nâng cao đời sống, góp phần trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

                                                                                                                                                                   Phi Hải

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang