Thời gian qua, phong trào “Nói không với rác thải nhựa” trên địa bàn huyện Tuy Phong ngày càng được quan
tâm, chú trọng. Phong trào đã thu hút nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân hưởng ứng
tham gia. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay như chị Trần
Thị Sáu, thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân –
biến dây đai thành những chiếc giỏ nhựa để góp phần đẩy lùi nạn “ô nhiễm trắng”.
Cách đây 3 năm, chị Trần Thị Sáu đã khiến nhiều người ngạc
nhiên khi đưa ra ý tưởng mới lạ. Đó là lấy dây đai (dây nhựa buộc hàng hóa) đã
bị bỏ đi từ các công trình, Khu Nhiệt điện Vĩnh Tân để đan thành những chiếc giỏ
nhựa. Ý tưởng này hình thành khi những chiếc xe chở rác của HTX dịch vụ môi
trường hàng ngày vào Khu Nhiệt điện chở
phế thải ra bãi rác. Nhìn những chiếc dây đai đầy màu sắc, chị Sáu đã gom chúng
lại mang về nhà. “Lúc đầu, tôi thấy tiếc
vì những dây đai rất đẹp mà lại bị vứt. Hơn nữa, nếu đốt sẽ ảnh hưởng nhiều đến
môi trường nên tôi đã tận dụng đan thành những chiếc giỏ, những vật dụng để gia
đình sử dụng. Tôi nghĩ, những chiếc giỏ của tôi sẽ thân thiện với môi trường
hơn”. Chị Sáu chia sẻ về ý tưởng của mình.
Khi bắt đầu tiếp cận với công việc, chị Sáu đan những chiếc
giỏ nhỏ cho gia đình sử dụng như giỏ đi chợ, dụng cụ đựng bút viết, ống đũa;
giỏ đựng rác…; Sau đó chị đan những chiếc giỏ có kích thước lớn hơn, tặng miễn
phí cho các chủ tàu cá là mối bán cá cho nhà chị mỗi tàu 10 cái để sử dụng thử.
Vì chị nghĩ hàng ngày những chiếc tàu đánh cá này thường sử dụng túi nilon để
đựng cá phải làm sao cho họ thay đổi cách làm.
Những sợi dây nhựa này tưởng chừng là những phế thải bỏ đi
nhưng với đôi mắt tinh tường và ý tưởng mới lạ của chị Sáu nó đã trở thành
những vật dụng có giá trị. Những chiếc giỏ xinh xắn, nhiều màu sắc của chị Sáu
không chỉ ngày càng chiếm được nhiều cảm tình của bà con xóm giềng, mà còn được
đại đa số người dân ở địa phương khác lựa chọn, trong đó nhiều nhất là bà con
ngư dân ở khu vực biển Cà Ná - Ninh Thuận mua về để đựng cá, đựng con ruốc.
Nhiều tiểu thương buôn bán ở các chợ cũng đã tìm đến với những
sản phẩm của chị. Trung bình mỗi tháng chị Sáu bán ra thị trường trung bình
khoảng 30 chiếc giỏ nhựa các loại, tùy theo kích cỡ mỗi chiếc giỏ có giá khác
nhau từ 50 đến 70 nghìn rồi 100 nghìn đồng/chiếc. “Chắc, bền, rẻ” đó là nhận xét của chị Lưu Thị Đắc Hoàng – Phú Lạc
về những sản phẩm làm từ dây nhựa của chị Sáu.
Những chiếc giỏ nhựa của chị Sáu không chỉ có hiệu ứng tích
cực trong công tác bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon mà còn tạo công
ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho chị em phụ nữ thôn trong khoảng thời gian
nhàn rỗi. Tranh thủ thời gian rảnh, chị Sáu làm sẵn phần đế giỏ rồi cho chị em
nhận về nhà đan, mỗi chiếc giỏ thành phẩm chị Sáu trả công cho các chị 20.000
đồng/chiếc. Cầm trên tay 2.400.000 đồng chị Nguyễn Thị Lý vui mừng nói: “Đây là tiền mà chị Sáu trả công đan giỏ cho
tôi, nhờ có chị Sáu mà chị em chúng tôi có thêm khoản phụ thu trong thời gian
nhàn rỗi”
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ tịch
Hội Phụ nữ xã Vĩnh Tân nhận xét: “Số tiền
kiếm được từ việc bán giỏ, chị Sáu trích một phần ủng hộ “Quỹ chia sẻ yêu
thương” cho Hội phụ nữ xã Vĩnh Tân để giúp chị em phụ nữ bị bệnh hiểm
nghèo. Đây là việc làm hết sức thiết
thực của chị Trần Thị Sáu được cán bộ, hội viên thôn Vĩnh Tiến cũng như xã Vĩnh
Tân hưởng ứng tích cực và xem đây là một trong những cách làm hay hiệu quả cho
chị em trong toàn hệ thống hội phụ nữ học tập, làm theo”.
Có thể thấy, những việc làm thiết thực của chị Sáu đã và
đang góp phần tích cực vào trong phong trào “Nói không với rác thải nhựa” trên
địa bàn xã Vĩnh Tân nói riêng và huyện Tuy Phong nói chung.
Một việc làm cần được nhân rộng để tạo chuyển biến sâu hơn trong công tác bảo
vệ môi trường. Trong xã hội hiện nay cần có những con người như thế.
Kim Anh – Trung tâm VHTT-TTTH